5 món ăn đường phố Hàn Quốc sưởi ấm trái tim bạn trong mùa đông lạnh

Trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông Hàn Quốc, hơi ấm không chỉ đến từ khăn quàng cổ và găng tay, mà còn từ hương thơm hấp dẫn của đồ ăn đường phố đang lan tỏa trong không khí, như nhắc nhở chúng ta về một niềm vui giản dị của mùa này, đó là thưởng thức những món ăn ngon giữa những làn gió lạnh.

Tờ báo Hàn Quốc Korea Times đã liệt kê năm món ngon của Hàn Quốc sẽ sưởi ấm trái tim bạn sau mỗi lần cắn, được dẫn lối bằng hương thơm ngọt ngào và mặn mà từ những góc bếp nhỏ, khi đang lang thang trên những đường phố lạnh giá của Seoul.

Bungeoppang: Bánh ngọt hình cá nhân đậu đỏ

Bungeoppang: Bánh ngọt hình cá nhân đậu đỏ

"Bungeoppang" là một loại bánh ngọt hình cá nhân đậu đỏ ngọt truyền thống, là món ăn đường phố mùa đông được yêu thích ở Hàn Quốc. Từ nhân đậu đỏ truyền thống ban đầu, bungeoppang ngày nay có nhiều loại nhân khác nhau, từ kem trứng và khoai lang đến nhân kim chi và pizza.

Cuốn sách "Bungeoppang Has a Family Tree" xuất bản năm 2011 đã tìm hiểu nguồn gốc của bungeoppang, theo nghĩa đen là "bánh cá" trong tiếng Hàn.

Món bánh này được cho là sự kết hợp giữa ẩm thực phương Đông và phương Tây. Lấy cảm hứng từ bánh quế phương Tây, người Nhật đã cải biến thành "taiyaki," một loại bánh ngọt hình cá nhân đậu đỏ vào thế kỷ 18.

Sự phát triển này tiếp tục khi taiyaki hình cá tráp biển chuyển thành bungeoppang hình cá chép ở Hàn Quốc. Thời kỳ 1910-45, taiyaki đã du nhập vào Hàn Quốc và cuối cùng đã phát triển thành bungeoppang, đặc trưng với nhân đậu đỏ từ đầu cho đến tận đuôi.

Sự xuất hiện của bột mỳ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã khiến bungeoppang trở nên phổ biến hơn nữa.

Bungeoppang từng là một món ăn đường phố giá rẻ và tiện lợi cho tầng lớp lao động trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc vào những năm 60 và 70. Sự phổ biến của bungeoppang giảm dần khi mức sống được cải thiện, nhưng nó đã hồi sinh trong thời kỳ suy thoái kinh tế vào cuối những năm 90.

Trong nhiều năm, bungeoppang theo truyền thống được bán với giá " 2.000 won (1,4USD) 3 chiếc". Tuy nhiên, hiện nay, một số người bán hàng rong, đặc biệt là ở trung tâm thành phố Seoul, đã bán với giá 1.000 won cho mỗi chiếc.

Chi phí nguyên liệu và nhân công liên tục tăng không chỉ làm tăng giá mà còn khiến các xe bán rong bungeoppang trên phố giảm xuống. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều người Hàn Quốc gặp khó khăn khi muốn tìm mua món ăn yêu thích của mình, dẫn đến sự ra đời của thuật ngữ "bungsegwon" (khu vực bungeoppang), và thậm chí cả bản đồ bungeoppang, cung cấp thông tin cập nhật về nơi vẫn có thể tìm thấy món ăn đường phố được yêu thích này.

Trong số này, Chonggakne Bungeoppang là địa điểm không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai muốn thưởng thức món bungeoppang ngon nhất tại Chợ Gwangjang, trung tâm thành phố Seoul.

Nằm tại Cổng Nam Chợ Gwangjang 1, gần Ga Jongno-5-ga trên Tuyến tàu điện ngầm Seoul 1, quầy hàng này nổi tiếng với những hàng dài người xếp hàng chờ được lấy bánh. Bánh bungeoppang đậu đỏ đặc trưng của quán có nhân óc chó và có hương vị giòn độc đáo. Bên cạnh đó còn có bánh pizza bungeoppang mặn và sự kết hợp ngọt ngào giữa khoai lang và phômai kem. Bánh nhân đậu đỏ và kem sữa trứng có giá 1.500 won, trong khi những loại khác có giá 2.000 won.

Bên cạnh đó còn có “Ingeoppang,” hay bánh cá chép trong tiếng Hàn, một biến thể của bungeoppang với kết cấu dai hơn do có thêm bột gạo nếp, được bán tại Namyeongyeok Ingeoppang ở Quận Yongsan, Seoul.

Namyeongyeok Ingeoppang, nằm gần Lối ra 1 của Ga Namyeong trên Tuyến tàu điện ngầm Seoul 1, là một địa chỉ được người dân địa phương yêu thích, đặc biệt với những khách hàng yêu thích nhân đậu đỏ. "Ingeoppang" của cửa hàng hầu như chỉ toàn là nhân và có rất ít vỏ, do đó thực khách thậm chí còn nói đùa rằng vỏ bánh chỉ để trang trí.

Quầy hàng này bán ba chiếc với giá 2.000 won. Tuy nhiên do nhu cầu cao, mỗi người chỉ được mua tối đa sáu chiếc.

Hotteok: bánh kếp giòn có nhân

Hotteok: bánh kếp giòn có nhân

Trên những con phố lạnh lẽo của mùa Đông Hàn Quốc, tiếng xèo xèo của dầu nóng và động tác lật nhịp nhàng của những người bán hàng rong khiến "hotteok" trở thành một món bánh không thể cưỡng lại.

Ngay cả việc làm hotteok cũng là là một cảnh tượng ngoạn mục khiến ta khó rời mắt. Người bán hàng sẽ khéo léo “véo” một cục bột cực kỳ mềm và dẻo dai, thêm gia vị và nhân, vo tròn lại và đặt lên chiếc chảo phẳng, rồi dùng một dụng cụ để khéo léo ép dẹp, sau đó lật mặt, và một chiếc bánh vàng giòn xuất hiện.

Ngũ cốc giòn tan kết hợp với phần nhân ngọt dẻo dai khiến hotteok được cả người dân địa phương và khách du lịch đều yêu thích.

Tên gọi hotteok kết hợp giữa "ho," để chỉ những người đến từ Trung Á và các vùng Ả Rập, với "tteok", có nghĩa là bánh gạo, phản ánh nguồn gốc của nó từ bên ngoài Hàn Quốc. Theo Cơ quan Di sản Hàn Quốc (KHS), người ta tin rằng bánh gạo được mang đến Hàn Quốc theo Con đường tơ lụa.

Thời điểm chính xác khi hotteok lần đầu tiên xuất hiện và trở nên phổ biến ở Hàn Quốc vẫn chưa rõ ràng, nhưng KHS ước tính rằng nó xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 khi các thương gia từ triều đại nhà Thanh của Trung Quốc đã đến Joseon.

Sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ, một số thương gia này đã chọn ở lại, mở nhà hàng và bán "mandu" (bánh bao) và hotteok để kiếm sống. Theo thời gian, những mặt hàng này dần trở nên phổ biến trong người Hàn Quốc, giành được một vị trí quan trọng trong nền văn hóa ẩm thực địa phương với nhiều biến tấu hợp với khẩu vị Hàn Quốc.

Tại các điểm du lịch nổi tiếng — từ Insa-dong của Seoul, nổi tiếng với các cửa hàng bán đồ truyền thống và Chợ Namdaemun, chợ truyền thống lớn nhất cả nước, đến Chợ Gukje và Chợ Jungang của Busan ở Sokcho, Tỉnh Gangwon — các quầy hàng hotteok là một cảnh tượng rất được yêu thích.

Gyeranppang: Bánh trứng ấm, xốp

Gyeranppang: Bánh trứng ấm, xốp

"Gyeranppang" hay bánh trứng Hàn Quốc là một trong những món ăn vặt được ưa chuộng đối với những ai muốn ưa thích các loại bánh béo ngậy và mềm xốp.

Món ăn này thực chất là một quả trứng được nướng chín bên trên một chiếc bánh làm bằng bột mỳ mềm xốp. Loại bánh này được cho là khởi đầu tại một cửa hàng nhỏ gần Đại học Inha ở Incheon vào năm 1984.

Cửa hàng này đã trở thành địa điểm quen thuộc của các sinh viên đại học trong suốt 40 năm, bán những món ăn vặt nho nhỏ với giá phải chăng. Ban đầu, cửa hàng bán "pulppang" (bánh mì nhồi đậu đỏ). Tuy nhiên, sau đó chủ cửa hàng đã nghĩ ra cách dùng trứng thay thế khi gặp những khách hàng không ăn đậu đỏ.

Loại bánh pha trộn giữa ngọt và mặn này đã trở nên phổ biến và cuối cùng trở thành một trong những món ăn vặt đường phố nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, trong đó các cửa hàng nổi bật nằm tại các địa điểm như gần Lối ra số 8 của Ga Sillim trên Tuyến tàu điện ngầm Seoul số 2 hoặc ở Lối ra số 10 của Ga Sinseol-dong trên Tuyến tàu điện ngầm Seoul số 1.

Ngay trên con hẻm gần Đại học Nữ Sookmyung ở Quận Yongsan, trung tâm Seoul, With Egg Bread cung cấp nhiều loại bánh trứng đa dạng, mang đến nhiều lựa chọn lành mạnh hơn.

Quán càphê này thêm các loại topping có hương vị như sốt mayonnaise, giămbông, cà chua và phômai để tạo thêm hương vị cho bánh trứng đơn giản ban đầu. Một số biến thể phổ biến của quán là bánh mì trứng với ôliu và nước sốt ớt, mang đến hương vị quen thuộc giống như pizza, và một biến thể với sốt mayonnaise, giămbông và hành tây, dành cho những khách hàng muốn thêm vị béo ngậy.

Đối với những ai đang tìm kiếm một loại bánh trứng cao cấp hơn với hương vị hảo hạng, Egg Seoul chính là nơi bạn cần đến. Nằm gần Ga văn phòng Gangnam-gu trên Tuyến tàu điện ngầm số 7 của Seoul, quán càphê này cung cấp phiên bản hiện đại của bánh trứng với các loại topping mặn bao gồm xúc xích, hành lá với phômai kem và pepperoni, cho đến các lựa chọn kiểu tráng miệng như ngô ngọt, đậu đỏ và bơ và nho Shine Muscat.

Cùng với bánh trứng truyền thống, món đặc trưng của quán là một chiếc bánh hình quả trứng chứa đầy phômai kem và phômai cheddar. Thực đơn cũng cung cấp các biến thể như nhân đậu đỏ và matcha hoặc nhân hồ trăn và sô cô la.

Mặc dù bánh trứng được công nhận là một trong những món ăn vặt đường phố phổ biến nhất ở Hàn Quốc, nhưng nó không được bán rộng rãi. Tuy nhiên bạn có thể dễ dàng làm bánh trứng tại nhà với các nguyên liệu đơn giản và lò vi sóng hoặc nồi chiên không dầu.

Công thức nấu ăn sử dụng loại bột làm bánh kếp mua ở cửa hàng, thêm nước hoặc sữa theo hướng dẫn trên bao bì để làm hỗn hợp. Tráng dầu vào cốc giấy dùng một lần và đổ bột vào khoảng hai phần ba cốc. Đặt một quả trứng lên trên lớp bột, sau đó cho vào lò vi sóng trong khoảng năm phút hoặc cho đến khi chín hoàn toàn. Có thể sử dụng nồi chiên không dầu thay cho lò vi sóng để nấu ở nhiệt độ 180 độ trong 10 đến 15 phút.

Eomuk: Chả cá xiên hoàn hảo cho mùa đông

Eomuk: Chả cá xiên hoàn hảo cho mùa đông

Khi nhiệt độ giảm xuống ở Hàn Quốc, đường phố trở nên sống động với mùi thơm dễ chịu của nước dùng bốc hơi và cảnh tượng những chiếc chả cá xiên đang sôi trên xe bán đồ ăn.

Ở Hàn Quốc, chả cá được gọi là "eomuk" hoặc "odeng," món ăn vặt đường phố mùa đông được yêu thích này không chỉ là một món ăn ấm áp mà còn thấm đẫm lịch sử và văn hóa.

Về bản chất, eomuk là một món mặn được làm bằng cách nghiền cá - thường được làm từ cá trắng như cá tuyết, cá minh thái, cá hồng hoặc cá bơn - thành một hỗn hợp nhuyễn, trộn với bột mỳ và gia vị rồi ép thành những miếng hình chữ nhật hoặc hình tròn.

Những chiếc eomuk này được xiên vào que và sau đó nấu trong nước dùng đậm đà, thường hơi cay, luôn nóng hổi và kèm theo một chiếc cốc giấy nhỏ đựng đầy súp đậm đà.

Sự kết hợp giữa chả cá mềm và nước dùng ấm áp tràn vào miệng chỉ sau một lần cắn khiến eomuk trở thành món ăn cực kỳ lôi cuốn khi đang phải chống chọi với cái lạnh của mùa đông.

Nhưng tại sao nó lại có hai tên - eomuk và odeng? Trong khi cả hai thuật ngữ đều có nghĩa là "bánh cá" trong tiếng Anh, thì sự khác biệt của chúng nằm ở sắc thái văn hóa và ngôn ngữ.

Eomuk là thuật ngữ hoàn toàn của Hàn Quốc, dùng để chỉ chả cá được chế biến theo phương pháp truyền thống. Ngược lại, Odeng có nguồn gốc từ từ tiếng Nhật "oden," phản ánh những ảnh hưởng lịch sử đã hình thành nên món ăn này.

Nguồn gốc của chả cá có thể bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại, nơi các đầu bếp thời nhà Tần (221-206 TCN) băm nhỏ cá thành bột nhão để tránh xương gây khó chịu.

Kỹ thuật này lan rộng khắp Đông Á, tạo cảm hứng cho các biến thể như "kamaboko" của Nhật Bản trong thời kỳ Heian (794-1185) và "saengseon sukpyeon" của Hàn Quốc trong thời kỳ Joseon 1392-1910.

Thời 1910-1945, người Nhật đã đưa các nhà máy sản xuất chả cá vào, đặc biệt là ở các thành phố cảng như Busan. Theo thời gian, món ăn này đã phát triển thành một món ăn chính của địa phương.

Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong thời kỳ khan hiếm và hạn chế tiếp cận với thực phẩm giàu protein, chả cá đã trở thành nguồn dinh dưỡng phổ biến và giá cả phải chăng đối với nhiều người Hàn Quốc.

Ngày nay, Busan vẫn là trung tâm của ngành công nghiệp chả cá Hàn Quốc, nổi tiếng về chất lượng và sự đa dạng.

Eomuk chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim người Hàn Quốc, thường được thưởng thức khi đang di chuyển hoặc như một phần của bữa ăn nhanh tại các xe đẩy ven đường đông đúc. Tính cơ động khiến nó trở thành một món ăn vặt phổ biến được yêu thích.

Eomuk rất phổ biến ở các chợ truyền thống, nơi xiên eomuk được bán cùng với các món ăn vặt đường phố nổi tiếng khác như "tteokbokki" và "sundae" (xúc xích nhồi).

Khu phố Sindang-dong ở Quận Jung, trung tâm Seoul, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người hâm mộ eomuk và tteokbokki vào thời điểm các xe đẩy đường phố truyền thống ngày càng trở nên hiếm hoi.

Khu phố Tteokbokki nổi tiếng của Sindang-dong vẫn giữ được nét hoài cổ với những gian hàng ngoài trời ấm cúng, nơi du khách có thể thưởng thức những xiên thịt eomuk bốc khói nghi ngút vào những buổi tối se lạnh.

Đối với những ai muốn trải nghiệm eomuk cao cấp hơn, khu phố Euljiro gần đó có những quán bar nơi chả cá được phục vụ cùng với lẩu, trong đó có eomuk nấu sẵn được ninh nhừ đến độ hoàn hảo. Những quán bar này cũng có những chiếc bàn tràn ra đường, tạo nên sự kết hợp giữa nét tinh tế của thành thị và nét quyến rũ của ẩm thực đường phố, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải chấp nhận cái lạnh của mùa đông.

Deli Manjoo: Bánh ngọt nhân kem trứng

Deli Manjoo: Bánh ngọt nhân kem trứng

Tại một số ga tàu điện ngầm Hàn Quốc, gần trạm xe buýt hoặc tại các khu vực dịch vụ đường cao tốc, thường có một mùi thơm ngọt ngào, béo ngậy lan tỏa trong không khí, khiến hành khách không thể cưỡng lại.

Mùi thơm dễ chịu này thường đến từ chuỗi cửa hàng nhượng quyền nổi tiếng Deli Manjoo, nổi tiếng với những chiếc bánh xốp hình ngô nhân kem trứng thơm ngon. Mặc dù phải vội vã bắt tàu hoặc xe buýt, mùi thơm hấp dẫn của Deli Manjoo mới nướng thường khiến hành khách muốn dừng lại.

Mặc dù hương vị của Deli Manjoo không phải ở quán nào cũng ngon, nhưng có một nơi mà chất lượng luôn được đảm bảo. Đó là cửa hàng Deli Manjoo đầu tiên, hoạt động từ năm 1998 tại Ga Myeongdong trên Tuyến tàu điện ngầm Seoul số 4. Cửa hàng này nổi tiếng với việc tự làm tất cả bột và nhân tại chỗ để đảm bảo có được Deli Manjoo tươi ngon nhất.

 (Nguồn: Groupon)

(Nguồn: Groupon)

Danh tiếng của cửa hàng này đã được củng cố thêm vào đầu năm nay khi nó được giới thiệu trên "Hangout with Yoo," một chương trình tạp kỹ do nghệ sỹ giải trí hàng đầu Hàn Quốc Yoo Jae-suk dẫn chương trình.

Điểm khác biệt của cửa hàng ở Myeongdong là lớp vỏ mỏng hoàn hảo, bao bọc một lượng lớn kem trứng ngọt ngào, mịn màng, mang đến sự cân bằng hoàn hảo giữa hương vị và kết cấu. Hầu hết các món ăn vặt Deli Manjoo đều được nướng theo yêu cầu, đảm bảo một món ăn nhẹ tươi ngon, nóng hổi – thậm chí là cảnh báo "rất nóng."

Bên cạnh đó, chiếc bánh cũng rất ngon khi để đông lạnh. Phiên bản đông lạnh có kết cấu độc đáo và tăng thêm vị ngọt, mang đến cảm giác giống như kem./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/5-mon-an-duong-pho-han-quoc-suoi-am-trai-tim-ban-trong-mua-dong-lanh-post1005808.vnp
Zalo