5 loại thực phẩm lành mạnh có thể âm thầm gây tăng cân

Khi muốn giảm cân, nhiều người thường tập trung vào việc ăn thực phẩm lành mạnh. Thế nhưng, ngay cả một số loại thực phẩm lành mạnh nhất cũng có thể góp phần gây tăng cân, nếu tiêu thụ quá nhiều…

Dưới đây là một số loại thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng, nhưng lại 'bí mật' góp phần gây tăng cân:

1. Ăn quá nhiều các loại hạt và bơ hạt có thể dẫn đến tăng cân

Các loại hạt là nguồn dinh dưỡng dồi dào, giàu chất béo lành mạnh, protein và chất xơ. Mặc dù chúng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm sức khỏe tim mạch, cải thiện chức năng não, nhưng chúng cũng chứa rất nhiều calo. Một nắm nhỏ các loại hạt có thể chứa 150-200 calo và bơ hạt, như bơ đậu phộng, bơ hạnh nhân, thậm chí còn cô đặc, chứa nhiều calo hơn.

Khi ăn quá nhiều các loại hạt hoặc bơ hạt mà không tính đến hàm lượng calo của chúng, có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn. Do đó, kiểm soát khẩu phần ăn là điều cần thiết khi kết hợp chúng vào chế độ ăn uống giảm cân. Ăn những khẩu phần nhỏ và cân bằng các loại hạt với các loại thực phẩm khác.

Các thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích, nhưng cần lưu ý đến khẩu phần đưa vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Các thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích, nhưng cần lưu ý đến khẩu phần đưa vào chế độ ăn uống hàng ngày.

2. Quả bơ cũng chứa nhiều calo

Quả bơ là một siêu thực phẩm được biết đến với chất béo không bão hòa đơn tốt cho tim và hàm lượng dinh dưỡng cao. Chúng giàu chất xơ, kali, các vitamin thiết yếu, trở thành một thực phẩm bổ sung rất tốt cho bất kỳ chế độ ăn uống nào.

Tuy nhiên, giống như các loại hạt, quả bơ cũng chứa nhiều calo. Một quả bơ cỡ trung bình chứa khoảng 240 calo. Nếu thường xuyên thêm bơ vào salad, sinh tố hoặc bánh mì nướng mà không đo khẩu phần, bạn có thể đang tiêu thụ nhiều calo hơn mức cần thiết. Điều này có thể góp phần gây tăng cân theo thời gian. Do đó, điều quan trọng là phải ăn điều độ khi thưởng thức loại trái cây béo ngậy này.

3. Thực phẩm ăn liền granola

Granola thường được tiếp thị là thực phẩm tốt cho sức khỏe, chứa ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, các loại hạt và hạt giống. Mặc dù có thể là nguồn cung cấp chất xơ và chất béo lành mạnh, nhưng granola cũng chứa nhiều calo và đường bổ sung, đặc biệt là các loại mua ở cửa hàng, siêu thị.

Một khẩu phần granola (thường là 1/4 cốc) có thể chứa 200-300 calo, nhưng nhiều người vô tình tiêu thụ nhiều hơn mức này. Hàm lượng đường cao cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến đói và thèm ăn sau đó. Do đó, hãy chọn granola tự làm, với lượng đường tối thiểu và luôn đo khẩu phần để tránh ăn quá nhiều.

Một quả bơ cỡ trung bình chứa khoảng 240 calo.

Một quả bơ cỡ trung bình chứa khoảng 240 calo.

4. Sinh tố và nước ép

Sinh tố và nước ép làm từ trái cây và rau quả tươi có thể là một giải pháp tuyệt vời để bổ sung chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người vô tình thêm quá nhiều thành phần có hàm lượng calo cao như chuối, bơ đậu phộng, sữa chua và mật ong, biến một thức uống lành mạnh này thành một ‘quả bom’ chứa calo.

Ngoài ra, nước ép trái cây, ngay cả khi mới làm, cũng thiếu chất xơ và có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu, dẫn đến tăng cảm giác đói. Do đó, khi làm sinh tố, hãy thêm rau xanh và trái cây ít đường, hạn chế các thành phần có nhiều calo. Ngoài ra, hãy tránh các loại nước ép chỉ có trái cây và thay vào đó hãy ăn trái cây nguyên quả để tận dụng lợi ích về chất xơ.

5. Trái cây sấy khô

Các loại trái cây sấy khô như nho khô, chà là và mơ thường được coi là đồ ăn nhẹ lành mạnh, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, quá trình sấy khô làm cô đặc lượng đường tự nhiên và calo trong các loại trái cây này. Ví dụ, một cốc nho tươi chứa khoảng 60 calo, trong khi một cốc nho khô có khoảng 400 calo.

Kích thước nhỏ của trái cây sấy khô cũng khiến bạn dễ ăn quá nhiều mà không nhận ra lượng calo đang tiêu thụ. Mặc dù chúng lành mạnh khi dùng ở mức độ vừa phải, nhưng hãy thận trọng với khẩu phần ăn và kết hợp chúng với protein hoặc chất béo, để làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.

Mặc dù những thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng lại dễ tiêu thụ quá nhiều, vô tình ảnh hưởng đến nỗ lực giảm cân. Chìa khóa để ngăn ngừa tăng cân từ những thực phẩm lành mạnh này là ăn uống có ý thức, kiểm soát khẩu phần và cân bằng chúng với các lựa chọn giàu dinh dưỡng khác.

Bằng cách chú ý đến khẩu phần ăn và hiểu hàm lượng calo của những thực phẩm này, bạn có thể tận hưởng lợi ích của chúng mà không gặp phải tác dụng phụ không mong muốn là tăng cân.

Mời xem thêm video được quan tâm:

5 món cháo dinh dưỡng ngon bổ rẻ, càng ăn bệnh tật càng tránh xa | SKĐS

DS. Nguyễn Hải Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-loai-thuc-pham-lanh-manh-co-the-am-tham-gay-tang-can-169241201190556288.htm
Zalo