4 thói quen giúp gan khỏe mạnh trong mùa lạnh
Gan khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể có thể chống lại các loại virus và mầm bệnh gây hại. Ngược lại, nếu gan bị tổn thương sẽ tạo điều kiện cho các yếu tố bên ngoài tấn công.
Gan giữ vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, từ quá trình lọc máu, nó hỗ trợ chống lại các tác nhân gây bệnh truyền qua đường máu và tránh trường hợp các vi khuẩn, virus hay độc tố lây lan. Bên cạnh đó, gan tham gia tổng hợp các tế bào cần thiết trong hệ miễn dịch để chống sự xâm nhập của các kháng nguyên lạ nhằm thúc đẩy phản ứng miễn dịch trong cơ thể.
Dưới đây là những thói quen giúp gan khỏe mạnh
Thói quen ăn uống lành mạnh và sống khoa học
Việc duy trì thói quen sinh hoạt khoa học và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cũng là một cách giúp gan khỏe tăng hệ miễn dịch.
Mùa lạnh ăn uống đủ chất là quan trọng, ngoài ra các món ăn mềm nóng như rau củ vào mùa lạnh giúp tăng cường đề kháng, cho thêm tỏi, nghệ vào các món thường ngày có thể cung cấp chất chống viêm cho gan.
Nên chọn ăn thực phẩm đa dạng chất dinh dưỡng như: ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, protein nạc, sữa và chất béo lành mạnh. Các loại thực phẩm như bưởi, việt quất, quả hạch và cá béo được khuyến khích ăn vì có lợi cho gan. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ như: trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt giúp gan khỏe mạnh.
Cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày vì uống đủ nước sẽ loại bỏ độc tố khỏi cơ thể và do đó giúp gan khỏe mạnh. Trong mùa đông, mọi người có xu hướng ít vận động và tránh các hoạt động thể chất, do đó, việc uống nhiều nước, nhất là nước ấm hơn vào mùa đông là đặc biệt quan trọng.
Hạn chế uống loại nước nhiều đường như: các loại nước đóng sẵn, cà phê sữa vì chứa lượng đường cao và có thể khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
Hạn chế thức ăn béo, nhiều đường và mặn vì theo thời gian sẽ ảnh hưởng tới chức năng gan. Đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ chiên rán có thể ảnh hưởng tới sức khỏe gan.
Hạn chế dùng các loại đồ uống có chứa cồn
Về mùa lạnh nhiều người thường cho rằng uống rượu để ấm áp điều này dẫn đến hại gan. Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới xơ gan. Khi gan xử lý rượu, một số hóa chất độc hại được giải phóng gây tổn thương gan, dẫn đến bệnh gan do rượu.
Vì vậy, thay việc uống bia rượu và các chất kích thích khác thì nên dùng trà thảo dược giúp tốt cho gan như: trà hoa cúc, trà gừng, actiso,… có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường chức năng gan và thận.
Giữ thói quen tập thể dục thường xuyên
Mùa đông lạnh nhiều người ngại tập thể dục vì vậy để gan khỏe mạnh chúng ta nên vẫn nên giữ thói quen này. Hãy tập thể dục trong nhà hay đi bộ khi thời tiết ấm áp. Bởi tập thể dục thường xuyên không chỉ duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh mà còn tốt cho gan. Mỗi người nên dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày, ít nhất 150 phút hoạt động mỗi tuần để cải thiện nồng độ men gan và chức năng gan tổng thể, đồng thời giảm nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ.
Thói quen khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng, trong đó có việc kiểm tra gan định kỳ giúp phát hiện các chỉ số khác nhau liên quan đến chức năng gan và chuyển hóa thông qua các phương pháp xét nghiệm sinh hóa, từ đó phản ánh tình trạng cơ bản của chức năng gan. Trong trường hợp bạn thường xuyên uống nhiều rượu, hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh về gan, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác bệnh. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, hiệu quả điều trị cao hơn.
Tóm lại: Để chủ động bảo vệ sức khỏe cũng như gan trong mùa đông lạnh giá nên lưu ý thực hiện một số biện pháp sau:
Giữ ấm cơ thể thật tốt trong thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là các vùng cơ thể nhạy cảm như tai, cổ, ngực, tay chân, vùng bụng,... ; với trẻ em cần ủ ấm cẩn thận trước khi cho ra ngoài trời.
Phòng tránh lây nhiễm chéo nơi công cộng bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tuyệt đối tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, thủy đậu, ho gà, sởi, rubella,...ngoài ra tiêm phòng đầy đủ cũng là biện pháp phòng bệnh chủ động.
Rèn luyện thói quen ăn chín, uống sôi. Xây dựng thực đơn ăn uống đầy đủ các nhóm dưỡng chất như tinh bột (cơm, gạo, lúa mì,...), chất đạm (trứng, hạnh nhân, ức gà,...), chất béo lành mạnh (bơ, phô mai, các loại hạt,...), vitamin (khoai lang, cà rốt, ớt chuông, gan động vật,...) và khoáng chất (rau xanh, thịt, trứng,...).
Vệ sinh cá nhân đảm bảo, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh tai mũi họng bằng nước muối, khi tiếp xúc với người bệnh cần có dụng cụ bảo hộ.