Có những nhịp cầu

Nhi dựng xe dưới một tán cây im mát bên trong công viên. Từ đây cô có thể thấy rõ nền nhà cũ, mới tháng trước còn im lìm giữa đống gạch đổ, đìu hiu nhìn sang bên kia đường nơi cây cầu mới đang vào giai đoạn hoàn thiện. Vậy mà hôm nay khu nhà giải tỏa đang ồn ã mấy tốp công nhân khẩn trương dọn dẹp và trục bỏ các gốc cây trên vỉa hè.

Không mấy lâu nữa, nhà cũ sẽ mất dấu. Gọi là nhà cũ vì nơi đây, Nhi đã có những tháng ngày yên ổn của một đứa học trò trường làng lần đầu xa nhà để bước vào ngưỡng cửa đại học. Gia đình chị Xuân đã cho cô một mái nhà thứ hai, ngoài những giờ kèm cặp cho bé Nấm và phụ giúp chị Xuân vài việc bếp núc, cô có nhiều thời gian cho học hành, thi cử. Mấy tháng đầu ở lại với mẹ con chị Xuân, Nhi không nghe bé Nấm nhắc đến ba, nhưng cũng không tiện hỏi. Cái cách nói chuyện cởi mở, thân thiện của chị Xuân vẫn có lúc nghiêm trang pha chút lạnh lùng khiến một đứa gái quê như cô cảm thấy e dè. Mãi đến hôm từ lớp về giữa buổi, cô gặp một người khách của gia đình, khi chị Xuân không có nhà. Chính là người vắng mặt lâu nay trong gia đình này, từ khi bé Nấm vừa mới thôi nôi. Anh ta nói thế. Chị Xuân về tới ngay sau đó và cuộc gặp chỉ chóng vánh không đầy mươi phút.

Tối hôm đó chị Xuân ngồi lại với cô rất lâu trong phòng khách sau khi con bé Nấm đã lên gác học bài. Cũng chỉ ngồi và im lặng nhiều hơn chuyện trò. Có vẻ như những gì đã qua và trở thành một phần của cuộc sống, người phụ nữ này chẳng cần phải giãi bày. Chị kết thúc buổi tối cùng cô bằng câu nói với nụ cười nửa miệng, không rõ buồn hay vui. “Em gái à, chỉ khi một mình mà không thấy cô đơn thì mới có đủ dũng khí bước đi dù cuộc đời có ưu ái hay không”.

Cơ sở đóng giày của chị Xuân chỉ vào loại nhỏ, lại có em gái quản lý và phần nhiều thợ thầy đều là bà con nên chị cũng không mấy bận rộn. Từ sau chuyện buồn hôn nhân, chị thường xuyên đến xưởng lấy công việc làm vui. Chuyện có thêm một cô sinh viên đến với hai mẹ con lúc này cũng là hợp lý. Nết ăn ở của Nhi cũng rất vừa ý với chị, nhất là con bé Nấm thì cứ về đến nhà là xoắn lấy cô Nhi. Nhi thấy mình vô cùng may mắn khi được sống với gia đình bé nhỏ luôn tràn đầy niềm vui này.

Tết năm ấy, người em họ xa của chị Xuân về Huế thăm nhà và Nhi có thêm một người quen. Khải đang là thành viên trong nhóm điều hành một công ty ở ngoài Bắc, hiểu biết và lịch lãm, không như mấy đứa con trai hiền lành nhưng đơn điệu và vụng về cùng lớp. Có lần cô nói với chị Xuân như thế, chị chỉ cười. Mấy hôm sau, một lần Khải đến nhà chơi và ở lại dùng cơm trước khi trở ra ngoài ấy với công việc, cô đã phụ với chị Xuân làm nhiều món ngon. Chẳng gì cũng là ăn Tết, mà là Tết Huế thì có nhiều món không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt, ra ngoài ấy sẽ nhớ Huế nhiều hơn. Ý chị Xuân muốn nhắc khéo cậu em như thế. Khải chừng như vừa hiểu ra, cười nhẹ và không quên nhìn sang Nhi khiến cô bối rối.

Hết Tết, Khải rời Huế nhưng dường như vẫn để lại cho cô cả mùa xuân ấm áp và rực rỡ qua từng cuộc gọi và tin nhắn. Có lúc nhìn cô hồn nhiên không che giấu nỗi vui, chị Xuân đã buột miệng: “Khải hoặc mấy thằng bạn vô tư trên lớp, đều chỉ mới bắt đầu. Em cần có thời gian...”. Nhi không hiểu, nói đúng hơn là không lưu ý lắm vì cho rằng, chị Xuân vốn có định kiến khắt khe với đàn ông. Với cô bây giờ, mọi thứ đang bắt đầu bằng đôi cánh của hy vọng.

Tết năm sau Khải không về như đã hẹn, dù vẫn ấm áp trong từng cuộc gọi. Cô chưa tiện hỏi chị Xuân thì nhiều sự cố không hay liên tiếp xảy ra với gia đình chị. Về lo đám tang mẹ đẻ vừa xong thì chị và con gái bị tai nạn khi trở lại nhà. Đứa bé không sao, nhưng chị thì bị chấn thương nặng từ thắt lưng trở xuống. Cả năm trời chạy chữa, chị bây giờ đã khỏe nhưng chân phải chưa phục hồi hoàn toàn cử động, đi lại phải dùng nạng hoặc xe lăn. Nhìn dáng ngồi bất động của chị bên khung cửa sổ, cô thấy xót lòng dù với mọi người, chị Xuân vẫn không có gì thay đổi. Người phụ nữ cứng cỏi và dễ thích nghi với nghịch cảnh này chỉ thấy bứt rứt khi không được bận rộn. Đúng vào lúc này, Khải về Huế và đến thăm chị họ. Con người lịch lãm ấy đưa bạn gái đến ra mắt, báo tin về lễ ăn hỏi sắp đến. Chị Xuân chỉ cười hỏi xã giao đã đành, nhưng còn cô, không hiểu sao vẫn thấy dửng dưng và nguội lạnh hết mọi bất ngờ, cho dù là thất vọng.

Khi nhận thông báo giải tỏa mặt bằng nhà ở trong khu vực quy hoạch công trình cầu mới, chị Xuân quyết định đưa con gái về nhà ngoại ở vùng đồi gần phía tây nam thành phố. Trong tình trạng sức khỏe như bây giờ, chị không muốn tính chuyện xây nhà mới. Nhi đang vào năm học cuối, bận lịch học thi và đi thực tập, nhà lại xa trường nên thỉnh thoảng cô phải nghỉ trưa hoặc có khi cả vài hôm cùng nhóm bạn nữ ở phòng trọ sinh viên. Những lần ở nhà với bé Nấm, cô để nhiều thời gian nhắc nhở, chăm chút bài vở cho nó. Hôm soạn lại mớ giấy màu lâu rồi nó không còn dùng đến, cô vẩn vơ nhớ bao nhiêu chuyện vui buồn, và bàn tay cô cũng vẩn vơ gấp những mẩu giấy màu cứ thế bày ra trước mắt.

Cô nhớ đến bà ngoại với những chiếc bánh ngũ sắc của bà. Mỗi dịp cúng kỵ lễ tết, bà thường xếp khuôn bánh đan thành khối vuông từ sáu mặt giấy, gồm màu trắng và năm màu xanh, lục, đỏ, tím, vàng, gói phần bánh bó mứt bên trong rất ngọt với nhiều mùi hương của gừng, vỏ quýt... nhưng chỉ để ăn trong mấy ngày. Bây giờ người ta gọi là bánh pháp lam, và nhiều nơi đã thay bánh bó bằng bánh in để bánh dùng được lâu hơn. Nhi lập tức mày mò thực hiện lại các thao tác sau khi gọi điện về làng hỏi mẹ. Chiều hôm đó cô qua phòng chị Xuân, định sẽ kể cho chị nghe về ngày xưa của mình, một thời thơ bé nhiều màu sắc sống động bên bà, bên mẹ ở một làng hoa vùng ven thành phố. Không ngờ câu chuyện và những chiếc hộp giấy màu đã có sức cuốn hút làm chị Xuân vui hẳn lên, gọi người em gái mua bánh in đem đến ngay. Những ngày sau đó, đi học về là Nhi cùng hai mẹ con ngồi xếp khuôn giấy rồi cho bánh vào khuôn, chuyện trò cười nói, đánh thức vẻ mơ màng trầm tư vốn có lâu nay của gian nhà cổ...

- Chị gái ơi, mua giúp em vài tờ!

Nhi quay lại. Đứa bé trai nhảy nhót từ phía sau, đưa xấp vé số ra mời. Mặt mũi trắng trẻo dưới vành mũ lưỡi trai đã lấm tấm mồ hôi, nó đưa tay áo lên quệt ngang trán, nhìn cô chờ đợi:

- Chị mua cầu may đi! Xê-ri ni nhiều hy vọng lắm!

Cô bật cười trước vẻ liến láu ông cụ non của thằng bé, mở túi xách lấy tiền:

- Vậy em lấy hai tờ và để riêng ra, giữ lại giùm chị, đừng bán cho ai nữa nghe! Tiền của em đây!

- Ủa rứa là răng hả chị?

- Em để lại tối nay dò. Trúng lớn thì chị em mình chia hai, em lấy tiền đi học, không phải bán vé số nữa. Trúng nhỏ thì chị tặng em luôn!

Nhi lên xe nổ máy, cười vui khi thấy đôi mắt tròn xoe của thằng bé đang vui mừng nhìn theo. Cô mang niềm vui nhỏ đó về đến nhà khi chị Xuân vừa sắp mâm bánh ngũ sắc lên bàn thờ:

- Đẹp không em? Mời cô giáo cho điểm!

Nhi đứng lùi lại, xuýt xoa:

- Tay nghề chị phải nói đã là “đỉnh của chóp” rồi!

Chị Xuân cười, đèn nến lấp lánh trong đáy mắt rạng rỡ. Lần đầu tiên Nhi thấy chị Xuân cười bằng đôi mắt lâu nay vẫn phẳng lặng ánh nhìn không rõ buồn vui.

Mùa tết đến sớm bằng những nụ hoàng mai chớm vàng trong khu vườn rộng, có lẽ do mùa đông này trời nhiều nắng ấm. Chị Xuân sau nhiều nỗ lực tập luyện vật lý trị liệu đã có thể tự đi lại được, tuy chỉ mới bước những đoạn ngắn. Hôm nay Nhi hẹn chị đi sắm tết cho bé Nấm trước khi về làng với mẹ, đến ra Giêng mới trở lại trường. Trong tà áo lụa vàng và đầu tóc mới làm, chị Xuân đúng thật như cái tên của mình. Chị muốn Nhi cùng chụp ảnh với hai mẹ con để ghi dấu một mùa tết hạnh phúc vừa mới tìm lại được. Họ đi về hướng cây cầu mới đang soi mình xuống màu nước sông tươi sáng. Cây cầu không chỉ nối đôi bờ. Trong cô và có lẽ cả chị Xuân cũng vậy, những nhịp cầu nào đó đã nâng đỡ họ bước đến một bến bờ nhiều hy vọng đang vẫy gọi phía trước...

DUYÊN SANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/co-nhung-nhip-cau-149506.html
Zalo