4 nhóm giải pháp khắc phục tồn tại khi thực hiện Chương trình GDPT 2018

GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất 4 nhóm giải pháp khắc phục tồn tại khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Cần đổi mới căn bản và toàn diện phương thức và nội dung thi cử. Ảnh minh họa: TG.

Cần đổi mới căn bản và toàn diện phương thức và nội dung thi cử. Ảnh minh họa: TG.

Thứ nhất, xây dựng và ban hành Chuẩn hóa Chương trình của một số môn học trong Chương trình GDPT 2018. Đây là công việc khó khăn ngay cả với những nền giáo dục hàng đầu thế giới.

Theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái, chúng ta có thể tập trung triển khai ở một vài môn có điều kiện thuận lợi, ảnh hưởng lớn nhất đến toàn bộ Chương trình GDPT 2018. Rút kinh nghiệm từ việc đầu tư tốn kém nhưng không có hiệu quả về công tác này trong thời gian qua, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần lựa chọn, tập hợp đội ngũ chuyên gia, nhà giáo có năng lực nhất của đất nước để giải quyết nhiệm vụ này.

“Nhiệm vụ càng khó càng cần chuyên gia giỏi. Tôi luôn tin rằng đất nước chúng ta có đủ người tài, đủ kinh phí để giải quyết thành công nhiệm vụ then chốt này” - GS.TSKH Đỗ Đức Thái bày tỏ.

Thứ hai, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, đưa công tác đó vào thực chất theo phương châm “cầm tay chỉ việc” cho người giáo viên.

Việc đổi mới thi cử đang tạo ra một sức ép buộc giáo viên và học sinh phải đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó tạo ra một động lực để nền giáo dục của chúng ta thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

Thực tiễn cho thấy, việc tập huấn cho giáo viên cốt cán, rồi những người giáo viên đó tập huấn, lan tỏa lại cho các đồng nghiệp tỏ ra không hiệu quả. Bằng cách sử dụng sáng tạo nhiều giải pháp khác nhau như: khai thác sức mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông, chúng ta cần tập huấn trực tiếp đến từng giáo viên theo từng mạch kiến thức trong chương trình và sách giáo khoa môn học.

 GS.TSKH Đỗ Đức Thái. Ảnh: internet.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái. Ảnh: internet.

Thứ ba, vấn đề về định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Chuyển mạnh công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cấp THPT xuống cấp THCS. Quy định rõ nội dung, phương thức, cách thức triển khai công tác đó ở cấp THCS (có thể thông qua các tài liệu biên soạn cụ thể về công tác hướng nghiệp).

Quy định rõ trách nhiệm cá nhân (đối với cán bộ quản lí và giáo viên) trong mỗi nhà trường. Giáo viên phụ trách hướng nghiệp phải được bồi dưỡng, đào tạo về công tác hướng nghiệp. Quy định rõ quyền lợi mà người giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở cấp THCS được hưởng.

Thứ tư, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức và nội dung thi cử. Như đã nêu ở trên, thi cử tuy là khâu cuối nhưng lại có tác động lớn đến việc thực hiện chương trình. Vì thế, quyết liệt thay đổi phương thức và nội dung thi cử là một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, đặc biệt đối với kì thi chuyển cấp vào lớp 10.

Khác với THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (ở đó học sinh được lựa chọn môn học hướng đến nghề nghiệp sau này), từ lớp 1 đến lớp 9 là giai đoạn giáo dục bắt buộc, chỉ có "học gì thi nấy" thì học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình.

Ở góc độ quản lý giáo dục hiện nay, chưa có giải pháp nào tốt hơn là can thiệp bằng kỳ thi để chống việc học lệch, chống việc cắt xén chương trình nhằm duy trì chất lượng giáo dục tối thiểu.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái đề nghị, ngoài môn Toán, Ngữ văn, cần có thêm bài thi tổng hợp có phần nội dung của tất cả các môn học đánh giá bằng điểm số ở cấp THCS.

Khi học sinh học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới có đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của mình và lựa chọn nhóm môn học phù hợp khi vào lớp 10.

Trong các năm trước, nhiều địa phương đã áp dụng phương thức thi lớp 10 như vậy. Nhưng sau đó áp lực từ dư luận, từ phụ huynh khiến các địa phương bị dao động, rút dần bài thi tổng hợp, giảm số môn thi, cuối cùng chỉ còn Toán - Ngữ văn hoặc Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh.

Áp dụng cách làm đối với kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT có thể công bố đề tham khảo và ma trận của đề thi đó đối với môn tổng hợp. Sau đó, tổ chức tập huấn cho các Sở GD&ĐT để triển khai theo hoàn cảnh thực tiễn của địa phương.

Theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái, kiên trì với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nghĩa là chúng ta bắt đầu một kỷ nguyên mới trong giáo dục. Dù vậy, mọi ý tưởng mới và hay, khi đưa vào thực tiễn đều vấp phải nhiều khó khăn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đối mặt với nhiều vấn đề ngổn ngang trong quá trình triển khai.

Tuy nhiên, bất cập ở khía cạnh này hay khía cạnh khác đối với một chính sách tác động sâu sắc đến toàn thể xã hội là tất yếu, không thể tránh khỏi. “Vững tin thực hiện đúng chủ trương đề ra, tôi tin nền giáo dục mới sẽ tạo ra những thế hệ trẻ có đủ phẩm chất và năng lực đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ căn dặn”- GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/4-nhom-giai-phap-khac-phuc-ton-tai-khi-thuc-hien-chuong-trinh-gdpt-2018-post717915.html
Zalo