Đa dạng giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Học kỳ II năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thành phố Hà Nội cần tiếp tục thực hiện đa dạng giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng việc dạy học ngoại ngữ, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 734 trường tiểu học và trường liên cấp có tổ chức chương trình giáo dục tiểu học với hơn 700.000 học sinh.

Đánh giá chung, học kỳ I năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, toàn ngành đã chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai năm học, thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh đầu cấp, bảo đảm đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, cơ cấu để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, dạy học đủ các môn học theo quy định.

Toàn thành phố Hà Nội hiện có có 734 trường tiểu học và trường liên cấp có tổ chức chương trình giáo dục tiểu học với hơn 700.000 học sinh.

Toàn thành phố Hà Nội hiện có có 734 trường tiểu học và trường liên cấp có tổ chức chương trình giáo dục tiểu học với hơn 700.000 học sinh.

100% số trường thực hiện dạy học trực tiếp tiếng Anh 4 tiết/tuần, Tin học 1 tiết/tuần, Công nghệ 1 tiết/tuần theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh lớp 3, 4, 5. 100% các trường triển khai dạy mạch nội dung giáo dục “Địa phương em” trong môn Lịch sử và Địa lí lớp 4; tiếp tục triển khai đại trà giáo dục STEM; 100% nhà trường tiếp tục thực hiện việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT; tỷ lệ thư viện đạt chuẩn chiếm 94,8%... Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia được thực hiện đúng quy định.

Đặc biệt, kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025 của thành phố Hà Nội đã không còn cảnh phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh. Quy mô, mạng lưới trường, lớp ở cấp tiểu học được tổ chức phù hợp, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và thuận lợi cho phụ huynh học sinh.

Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 5 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Sở GD&ĐT Hà Nội đã hoàn thành việc tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5.

Đáng chú ý, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về việc triển khai học bạ số cấp tiểu học với 97,64% học sinh khối 1 đến khối 4 được tạo thành công học bạ số (trung bình của cả nước đạt 41%).

Phát huy những kết quả đạt được, học kỳ II năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các nhà trường tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học, trong đó đặc biệt tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, thân thiện theo ba chữ “an” để học trò đến trường phải được an toàn, thầy cô giáo làm việc phải được an lòng, phụ huynh đưa con đến trường được an tâm. Các nhà trường đặc biệt quan tâm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm công tác bán trú và các điều kiện bảo đảm an toàn trong việc đưa - đón học sinh...

Cùng đó, các đơn vị, nhà trường cần tiếp tục thực hiện đa dạng giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh, lan tỏa phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường ở khu vực nội thành và ngoại thành.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các nhà trường chú trọng việc dạy học ngoại ngữ, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học...

Thảo Nguyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/da-dang-giai-phap-doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-toan-dien-184029.html
Zalo