4 gia vị phổ biến không nên dùng chung với thuốc tây

Nhiều loại thảo mộc gia vị được sử dụng để tạo hương vị cho món ăn, đồng thời có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, những người đang dùng thuốc kê đơn cần đặc biệt tránh những loại gia vị phổ biến dưới đây.

1. Quế, gia vị thảo dược phổ biến không nên dùng chung với thuốc

Quế là loại gia vị thảo dược rất quen thuộc trong nhà bếp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu sản phẩm tự nhiên Quốc gia của Đại học Mississippi, Mỹ đã mô phỏng quá trình tiêu hóa của con người và nghiên cứu cách quế và các thành phần hóa học chính của nó như cinnamaldehyde và dầu quế ảnh hưởng đến các thụ thể xenobiotic của cơ thể.

Xenobiotic là các thụ thể giúp điều chỉnh cách thuốc được chuyển hóa và đào thải khỏi cơ thể. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng cinnamaldehyde kích hoạt các thụ thể xử lý thuốc này, có thể khiến cơ thể phân hủy thuốc nhanh hơn dự định. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, đặc biệt là đối với các loại thuốc cần nồng độ ổn định trong máu để có hiệu quả.

Chính vì vậy, trước khi sử dụng quế dưới dạng chất bổ sung hoặc tinh dầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để tránh gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc theo toa.

Quế là gia vị thảo dược cần thận trọng khi dùng cùng với một số loại thuốc kê đơn.

Quế là gia vị thảo dược cần thận trọng khi dùng cùng với một số loại thuốc kê đơn.

2. Gừng

Bất kỳ loại gia vị nào được thêm vào thức ăn với số lượng hạn chế đều không có khả năng gây hại nhưng cần thận trọng khi dùng quá liều. Gừng với lượng khuyến nghị có tác dụng làm giảm buồn nôn, giảm viêm, tăng cường tiêu hóa, kiểm soát cholesterol và huyết áp. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều loại gia vị này có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt trong trường hợp đang dùng thuốc làm loãng máu như warfarin, aspirin và các loại khác.

Bên cạnh đó, sử dụng lượng gừng lớn có thể ảnh hưởng đến mức insulin nên có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị đái tháo đường người bệnh đang dùng, gây hạ đường huyết.

3. Cam thảo

Cam thảo có thể tương tác với nhiều loại thuốc và gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không được sử dụng một cách thận trọng.

Cam thảo đã được chứng minh là làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến các loại thuốc điều trị tim và huyết áp.

Loại thảo mộc này cũng có thể ảnh hưởng đến cách gan xử lý nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm như celecoxib, diclofenac, ibuprofen, cũng như các loại thuốc như glipizide điều trị bệnh đái tháo đường và fluvastatin điều trị mỡ máu.

Đã có báo cáo cho thấy phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống bị tăng huyết áp và nồng độ kali giảm khi sử dụng kết hợp thuốc với cam thảo. Cam thảo cũng có thể làm tăng tác dụng của một số thuốc chống trầm cảm và corticosteroid, dẫn đến tăng tác dụng phụ. Ở những người sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích, cam thảo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất kali, gây hại cho cơ thể.

Ngoài ra, cam thảo có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu ở những người dùng thuốc insulin hoặc thuốc điều trị đái tháo đường, làm giảm hiệu quả của thuốc làm loãng máu, làm tăng nguy cơ đông máu.

4. Nghệ

Mặc dù nghệ thường an toàn khi thêm vào thức ăn nhưng các chất bổ sung cô đặc có thể khuếch đại những tác dụng này, khiến những người dùng thuốc chống đông máu hoặc sắp phẫu thuật không đạt được mục tiêu điều trị.

Do đó, các trường hợp đang dùng thuốc làm loãng máu như warfarin, aspirin hoặc clopidogrel cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng để tránh làm tăng nguy cơ chảy máu.

Mời bạn xem tiếp video:

Có nên uống trà thảo dược giảm mỡ máu? | SKĐS

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-gia-vi-pho-bien-khong-nen-dung-chung-voi-thuoc-tay-169250506094315.htm
Zalo