4 dự án BOT cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi nhà đầu tư

Lần đầu tiên chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào 4 dự án giao thông trên đường hiện hữu nằm ở các vị trí cửa ngõ huyết mạch của thành phố theo hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao).

Đầu tư mở rộng 4 dự án hạ tầng theo hợp đồng BOT

Theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có các tờ trình quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng 4 dự án BOT. Bốn dự án bao gồm:

Dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành). Mục tiêu của dự án là nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh, ít gián đoạn kết nối Khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Nam Sài gòn, khu đô thị - cảng Hiệp Phước; hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đường Vành đai 2 với cao tốc Bến Lức - Long Thành (vành đai 3) và sau này là Vành đai 4.

Dự án nằm trên địa phận Quận 7 và huyện Nhà Bè. Chiều dài tuyến khoảng 8,6 km. Đầu tư hoàn chỉnh mặt cắt ngang rộng 60 m, quy mô 10 làn xe, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp quy định. Dự án được chia làm 2 thành phần để thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.894 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 4.680 tỷ đồng (chiếm 47% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay). Đối với phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.214 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 531 tỷ đồng), trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tối thiểu 703 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức thức đối tác công-tư. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025-2028.

Thứ hai là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An). Dự án nằm trên địa phận quận Bình Tân, huyện Bình Chánh với chiều dài khoảng 9,62 km, được chia làm 3 thành phần. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.285 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 802 tỷ đồng trong thời gian xây dựng), trong đó ngân sách Thành phố khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay). Phần vốn của doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.674 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 802 tỷ đồng), trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tối thiểu 1.001 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước. Thành phố dự kiến sẽ thực hiện dự án này từ năm 2025-2028.

Thứ ba là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3). Dự án có chiều dài khoảng 8,03 km, nằm trên địa phận Quận 12, Huyện Hóc Môn, được chia làm 3 thành phần. Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 10.424 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 436 tỷ đồng trong thời gian xây dựng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,8% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay); phần vốn Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 4.190 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư khoảng 628,5 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án. Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025-2028.

Thứ tư là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương). Dự án nằm trên địa phận TP. Thủ Đức, với diện tích sử dụng đất khoảng 39,54 ha. Dự án được chia làm 2 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.900 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 14.619,33 tỷ đồng (chiếm 69,95% tổng mức đầu tư); nhà đầu tư tham gia dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.281 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 942,23 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án. Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025-2028.

Thực hiện đầu tư 4 dự án BOT cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị quỹ đất giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông cấp bách, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông và miền Tây có tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng

Cụ thể, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho các địa phương có dự án đi qua và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông).

Theo tính toán, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của 4 dự án này là 31.890 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư) với gần 4.700 trường hợp phải thu hồi đất.

Theo Sở Giao thông công chánh thành phố đánh giá, điểm đặc biệt của các dự án BOT cửa ngõ là chỉ thu phí phần đường chính-làn trên cao (làn đường đi nhanh), còn đường song hành được mở rộng và miễn thu phí.

4 dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT trên đường hiện hữu, là cách làm mới dựa theo quy định của Nghị quyết số 98.

Theo đó, thành phố được sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho mỗi dự án lên đến 70%, còn lại từ 30% nguồn vốn của nhà đầu tư. Như vậy, sự tham gia chia sẻ nguồn vốn của nhà đầu tư sẽ giúp giảm bớt áp lực ngân sách cho chính quyền thành phố.

Về phía nhà đầu tư cũng đánh giá, với cơ chế chính quyền chịu trách nhiệm thực hiện đền bù giải tỏa bằng nguồn vốn ngân sách chính là “điểm cộng” thu hút tư nhân tham gia, qua đó giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông cấp bách.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/4-du-an-bot-cua-ngo-thanh-pho-ho-chi-minh-keu-goi-nha-dau-tu-179250413073649508.htm
Zalo