37.500 tấn thủy sản đang trên đường đến Mỹ thắc thỏm lo bị chịu thuế 46%

Phần lớn lượng hàng này thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam do thỏa thuận giao hàng tận kho Mỹ mới nhận tiền

Ngày 4-4, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết VASEP vừa có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan về tác động của mức thuế nhập khẩu đối ứng tới 46% mà Mỹ áp dụng với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có có thủy sản.

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm của Việt Nam sang Mỹ khoảng 2 tỉ USD. Đây là thị trường hàng đầu và có tính chất dẫn dắt. Về từng ngành thì tôm và cá ngừ chiếm vị trí số 1, cá tra chiếm vị trí số 2.

Hiện nay, hơn 400 doanh nghiệp đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Mỹ với những đơn hàng lớn, giá trị cao và đa số áp dụng phương thức giao hàng tận kho tại Mỹ. Vì thế, doanh nghiệp phải trả toàn bộ chi phí (vận chuyển, bảo hiểm, thuế) trước khi giao hàng và chờ thanh toán từ đối tác Mỹ.

Mức thuế đối ứng 46% mà Tổng thống Donal Trump vừa công bố khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo ngại về khả năng mất thị trường lớn này, cả những thiệt hại với nhiều lô hàng đang trên đường vận chuyển tới Mỹ vì có thể bị áp mức thuế cao.

Mỹ là thị trường số 1 của tôm Việt Nam xuất khẩu

Mỹ là thị trường số 1 của tôm Việt Nam xuất khẩu

Thống kê sơ bộ của VASEP cho thấy khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Mỹ; khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất sang Mỹ trong tháng 4 và 5-2025.

Theo ông Nam, việc chưa rõ ràng trong chính sách thuế hiện tại của Mỹ dẫn đến khả năng nếu hải quan nước này tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng (sau 9-4), các lô hàng đang vận chuyển sẽ chịu mức thuế 46%.

Điều này gây thiệt hại lớn vì doanh nghiệp đã ký hợp đồng đồng theo phương thức giao hàng tận kho tại Mỹ với giá dựa trên mức thuế hiện tại (thường 0% hoặc 5,5-7% do thuế chống bán phá giá).

Ông Nam cho rằng thuế suất 46% khiến thủy sản Việt Nam kém cạnh tranh so với các đối thủ khi Ấn Độ chỉ 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%...

Trước tình thế này, VASEP kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan sớm có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ để giúp ngành thủy sản một số nội dung quan trọng.

Trong đó, trước mắt xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế mới là ngày xuất khẩu được xác định trên vận đơn. Về lâu dài, đàm phán điều chỉnh giảm thuế xuống mức phù hợp.

Nông sản, thủy sản là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phía Việt Nam nên đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét mức thuế phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng nước này. Ngoài ra, trong chuỗi cung ứng của ngành nuôi trồng thủy sản, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục nhập khẩu hàng ngàn tấn khô đậu tương từ Mỹ với mức thuế hiện nay là 0%.

Nên tạm dừng xuất hàng từ ngày 5-4

Trước tình hình trên, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn.

Theo VASEP, doanh nghiệp không nên xuất hàng từ ngày 5-4 để tránh bị áp thuế bổ sung 10%; không xuất hàng từ ngày 9-4 để tránh mức thuế đối ứng 46%. Doanh nghiệp nên chờ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành (nếu có) để quyết định các phương án và kế hoạch xuất khẩu tiếp theo.

Tin-ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/37500-tan-thuy-san-dang-tren-duong-den-my-thac-thom-lo-bi-chiu-thue-46-196250404173612213.htm
Zalo