30 năm giữ rừng và tình yêu sắc son dành cho Sếu đầu đỏ
Hơn 30 năm qua, giữa mênh mông rừng tràm xanh ngát của Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim có bóng dáng một người đàn ông luôn hiện hữu. Đó là ông Đỗ Minh Chánh (59 tuổi) - nhân viên bảo vệ phụ trách trực tiếp khu vực Trạm bảo vệ Quyết Thắng, VQG Tràm Chim, người dành trọn tâm huyết để bảo vệ mảnh đất này và những loài sinh vật quý hiếm sinh sống nơi đây, đặc biệt là loài Sếu đầu đỏ. Mỗi khi nhắc đến loài chim này, ông Chánh luôn có một niềm tin mãnh liệt: Một ngày không xa, rừng Tràm Chim sẽ lại rộn ràng tiếng kêu của đàn Sếu đầu đỏ...
30 năm canh giữ mảnh đất xanh cho Sếu đầu đỏ
Gắn liền với từng ngọn cỏ, vạt rừng ở Trạm bảo vệ Quyết Thắng, thuộc Khu A4, VQG Tràm Chim, từ năm 1993, ông Đỗ Minh Chánh dành trọn tâm huyết cho mảnh đất bình yên này. Mỗi sớm mai, khi bình minh vừa ló rạng, ông Chánh đã có mặt tại đài quan sát, đôi mắt dõi theo từng đàn chim bay lượn. Với ông, rừng không chỉ là nơi làm việc, mà còn là ngôi nhà, bạn tri kỷ.
Tình yêu của ông Chánh dành cho rừng như những cội rễ bám chặt vào lòng đất và đặc biệt hơn cả là tình yêu dành cho loài Sếu đầu đỏ quý hiếm. Qua bao năm tháng, ông Chánh thuộc lòng tập tính, tiếng kêu của loài chim này. Mỗi khi nhắc đến Sếu đầu đỏ, đôi mắt ông Chánh ánh lên sự ấm áp và yêu thương vô bờ dành cho loài chim quý hiếm này.
Ông Đỗ Minh Chánh tâm sự: “Gắn bó với việc bảo vệ rừng, bảo vệ Sếu đầu đỏ gần 30 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy mệt mỏi. Nhờ công việc này, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, tôi được học hỏi thêm về tập tính của Sếu đầu đỏ. Từ đó, tôi thêm yêu quý và hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ loài chim quý hiếm này đối với hệ sinh thái”.
Ông Chánh nhớ lại, vào những năm đầu 1990, số lượng Sếu đầu đỏ về VQG Tràm Chim có lúc lên đến hàng ngàn con. Vẻ đẹp của loài Sếu quý hiếm này khiến những người gắn bó với Tràm Chim cùng những người dân Tam Nông mê mẩn.
Ông Chánh chia sẻ, trong hành trình di cư, Sếu đầu đỏ thường về Tràm Chim khoảng đầu tháng 1 dương lịch. Thế nhưng từ sau năm 2001, số lượng Sếu đầu đỏ về đây thưa dần khiến những người gắn bó với Sếu, với VQG Tràm Chim như ông Chánh không khỏi hụt hẫng, hệt như chia tay một người bạn mà chẳng biết bao giờ hội ngộ. “Tôi chỉ lo sợ con cháu đời sau không còn được biết về loài Sếu đẹp và quý hiếm này” - ông Chánh trăn trở.
Trong 2 năm 2017 - 2018, Sếu đầu đỏ quay lại VQG Tràm Chim nhưng chỉ cư ngụ thoáng chốc rồi bay đi. Đến năm 2019, những cá thể Sếu đầu đỏ lại về Tràm Chim. Năm 2020, Sếu không về Tràm Chim. Đến năm 2021, có 3 cá thể Sếu đầu đỏ di cư trở về nhưng lại vắng bóng suốt 2 năm sau đó. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2024, có 4 Sếu đầu đỏ di cư trở về. “Tới thời kỳ Sếu về là bắt đầu nghe những tiếng kêu na ná tiếng Sếu. Dạo đầu, tôi buộc phải chạy lên đài cao để kiểm tra coi có phải là con Sếu tiền trạm về để dẫn nguyên đàn về hay không. Nôn nao lắm rồi” - ông Chánh giãi bày.
Niềm vui hội ngộ cùng “tri kỷ” chưa kéo dài bao lâu đã lại chia xa khiến ông Chánh luôn ngóng trông một ngày nào đó đàn Sếu đầu đỏ sẽ chọn Tràm Chim làm “bến đậu” yên bình. Hơn 3 thập kỷ gắn bó với rừng, ông Chánh chứng kiến nhiều thay đổi. Từ những năm 1990, khi hàng ngàn con Sếu về tụ hội, đến những năm gần đây, số lượng Sếu giảm đáng kể chỉ còn lác đác vài cá thể. Mỗi sự biến động của quần thể Sếu đều khiến ông trăn trở, suy nghĩ. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ông Chánh vẫn miệt mài với công việc của mình. Ông Chánh luôn đặt niềm tin thế hệ trẻ sẽ kế thừa và phát huy truyền thống bảo vệ thiên nhiên, để rừng Tràm Chim mãi mãi xanh tươi và loài Sếu đầu đỏ sẽ mãi mãi là biểu tượng của sự thanh bình và trường tồn.
Mong ngày hội ngộ cùng “tri kỷ”
Khi biết tin UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032, ông Đỗ Minh Chánh như được tiếp thêm sức mạnh. Niềm vui ấy càng được nhân lên khi ông được giao trọng trách là hướng dẫn viên đặc biệt, đưa đón các Đoàn chuyên gia, nhà khoa học đến nghiên cứu tìm giải pháp phục hồi lại hệ sinh thái thuộc khu vực phân khu A4, VQG Tràm Chim.
Ngày ngày, ông Chánh miệt mài cùng các chuyên gia, tận mắt chứng kiến sự phục hồi của bãi năng kim, nơi từng là “ngôi nhà chung” của hàng ngàn con Sếu đầu đỏ. Mỗi bước tiến nhỏ của công cuộc bảo tồn đều mang lại cho ông niềm hạnh phúc vô bờ. Ông Chánh tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cộng đồng, giấc mơ về một Tràm Chim với đàn Sếu đầu đỏ sinh sôi nảy nở sẽ sớm thành hiện thực.
Những ngày này, khi đoàn khách khắp nơi tụ hội về với Tràm Chim, không chỉ làm tốt nhiệm vụ hằng ngày, ông Chánh còn xung phong lái tắc ráng đưa khách đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng xanh nối dài tít tắp tại VQG Tràm Chim. Như một người kể chuyện say mê, ông chia sẻ về lịch sử, về những câu chuyện kỳ diệu của rừng Tràm Chim và loài Sếu đầu đỏ. Giọng nói ấm áp, đôi mắt sáng ngời của ông đã truyền cảm hứng cho biết bao người.
Với ông Chánh, VQG Tràm Chim không chỉ là hệ sinh thái của cây cối chim muông mà còn là “chốn thiêng” cần được nâng niu, giữ gìn. Ngày ngày lắng nghe từng hơi thở của cỏ cây, từng thanh âm của tiếng chim kêu càng gieo thêm tình yêu rừng vào người đàn ông dạn dày sương gió. Hiểu và thông cảm cho tâm tư đó, người vợ của ông vẫn luôn đồng hành cùng chồng bên căn nhà nhỏ nằm trong VQG Tràm Chim, trở thành hậu phương vững chắc để ông yên tâm “bám rừng”.
Như “đôi mắt” luôn canh gác đêm ngày, ông Chánh không rời mỗi gốc tràm, kiên nhẫn dõi theo từng cánh Sếu bay. VQG Tràm Chim trở thành “ngôi nhà thứ hai” của ông, như “tấm lá chắn” bền bỉ chẳng ngại cực nhọc, không quản nắng mưa, người đàn ông ấy vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết sau nhiều năm cống hiến. Ông Chánh tin rằng, với sự chung tay của cộng đồng, giấc mơ về một Tràm Chim xanh tươi, nơi đàn Sếu đầu đỏ tự do bay lượn sẽ sớm trở thành hiện thực.
Câu chuyện của ông Đỗ Minh Chánh là câu chuyện về tình yêu dành cho thiên nhiên, về sự hy sinh và niềm tin vào tương lai. Ông dành cả cuộc đời để bảo vệ rừng và loài Sếu đầu đỏ. Câu chuyện của ông là lời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài sinh vật quý hiếm. Mỗi chúng ta, dù ở bất kỳ vị trí nào, đều có thể góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ hành tinh xanh...