30 công trình còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội:Từng bước khắc phục, bảo đảm an toàn
LTS: Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 30 công trình do các sở, ban, ngành của thành phố làm chủ đầu tư còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.
Nhằm bảo đảm an toàn, thành phố đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc khắc phục, tuân thủ đúng quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Dù còn nhiều khó khăn, song các đơn vị đều đang cố gắng ở mức tối đa khắc phục những tồn tại này.
Bài đầu: Thực trạng đáng lo
Những công trình bị UBND thành phố Hà Nội nhắc nhở vì chưa khắc phục được tồn tại về phòng cháy, chữa cháy đều có “lịch sử” xây dựng đã lâu, thậm chí còn hình thành trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Với thực trạng này, các công trình khó có thể hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định bởi sự xuống cấp, khập khiễng, chắp vá...
Những tồn tại kéo dài
Vừa qua, tại Công văn số 3061/UBND-NC về khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội chỉ ra 10 trường học, 6 bệnh viện và một loạt công trình quan trọng khác. Đáng chú ý, những công trình này có số người hoạt động tại đó rất lớn và là nơi chứa nhiều tài liệu liên quan đến công tác quản lý nhà nước.
Trong danh sách 30 công trình nêu trên, phải kể đến trụ sở UBND các huyện: Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên; Huyện ủy Mỹ Đức. Khối giáo dục của thành phố gồm 10 trường, trong đó huyện Chương Mỹ có 1 trường (Trung học phổ thông Đặng Tiến Đông, xã Đại Yên); huyện Thanh Trì có 1 trường (Trung học phổ thông Ngọc Hồi, xã Ngũ Hiệp); huyện Ứng Hòa có 2 trường (Trung học phổ thông Lưu Hoàng, xã Lưu Hoàng; Trung học phổ thông Ứng Hòa B, xã Đồng Tân); huyện Sóc Sơn có 3 trường (Trung học phổ thông Xuân Giang, xã Xuân Giang; Trung học phổ thông Đa Phúc, thị trấn Sóc Sơn; Trung học phổ thông Minh Phú, xã Minh Phú); huyện Mỹ Đức có 3 trường (Trung học phổ thông Mỹ Đức C, xã Đốc Tín; Trung học phổ thông Hợp Thanh và Trung học phổ thông Mỹ Đức B, xã Hợp Thanh).
Khối y tế có 6 đơn vị, gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất; Bệnh viện Đa khoa Vân Đình; Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ; Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (quận Ba Đình); Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức.
Thậm chí, có những công trình là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng đặc thù cũng bị liệt kê như: Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 thành phố Hà Nội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội)…
Phần lớn, đây là những công trình có “tuổi thọ” lâu, quá trình xây dựng chắp vá, đã qua nhiều lần sửa chữa, cải tạo và không được đầu tư đồng bộ. Ví như, trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức gồm những khối công trình xây dựng từ năm 1994, trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành (năm 2001). Do đó, việc hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo luật định là vô cùng khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, việc phải hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy với trụ sở của huyện là vấn đề rất thiết thực, song do kết cấu các công trình của trụ sở đều đã cũ nên việc lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động sẽ gặp nhiều bất cập bởi có độ vênh nhất định vì thiếu đồng bộ. Với thực trạng này, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chỉ phát huy hiệu quả khi được đầu tư đồng bộ với xây dựng công trình mới...
Vừa hoạt động, vừa nơm nớp nỗi lo…
Với những đòi hỏi cao hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy, các bệnh viện chưa hoàn thiện hệ thống này vừa hoạt động, vừa nơm nớp nỗi lo sự cố cháy, nổ. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Thúy Hằng thông tin, bệnh viện có 9 khối nhà làm việc, trong đó, công trình xây dựng mới nhất là nhà A1, cao 5 tầng, 1 tum, xây dựng năm 2012, đưa vào sử dụng từ năm 2013, chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, dù tòa nhà xây dựng theo thiết kế, đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy từ năm 2013. Qua kiểm tra, Công an huyện Thạch Thất đề nghị bệnh viện phối hợp với đơn vị thi công phòng cháy, chữa cháy khắc phục các tồn tại của nhà A1 và hoàn thiện hồ sơ đề nghị nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định...
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ có 7 khu nhà chính, được đưa vào sử dụng trong các năm: 2008, 2009 và 2012. Hiện khối nhà: A, C, D, F chưa được thẩm duyệt thiết kế, chưa được cấp biên bản chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy... Đáng tiếc là, dù khối nhà B, C mới được cải tạo từ năm 2019, nhưng lại không được đầu tư hạng mục phòng cháy, chữa cháy. Dù còn thiếu điều kiện an toàn, song bệnh viện vẫn phải đưa vào hoạt động phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Trong khi khối y tế loay hoay tìm giải pháp khắc phục thì với khối giáo dục, đây cũng là nỗi lo không của riêng ai. Danh sách 10 trường trung học phổ thông còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy trở thành nỗi ám ảnh với không ít phụ huynh. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đặng Tiến Đông (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) Phạm Văn Thảnh chia sẻ: Vì là trường ngoài công lập nên kinh phí đầu tư cho hạ tầng còn rất khó khăn. Trường gồm 2 dãy công trình, xây dựng đã lâu và đã được cải tạo, nâng cấp nhiều lần. Tuy còn nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, song với những tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, nhà trường đang được Công an huyện Chương Mỹ hướng dẫn thực hiện các bước về hồ sơ, thủ tục để khắc phục triệt để tồn tại về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian sớm nhất.
(Còn nữa)