Ngôi già lam Pháp Hoa giữa lòng hòn ngọc Viễn Đông

Pháp Hoa cổ tự được xem là ngôi già lam có vị trí đắc địa tại số 870 đường Trường Sa, phường 14, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ven kênh Nhiêu Lộc uốn lượn mềm mại, thơ mộng.

Ở Trung tâm thành phố, Pháp Hoa cổ tự được xem là ngôi già lam có vị trí đắc địa tại số 870 đường Trường Sa, phường 14, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, ven kênh Nhiêu Lộc uốn lượn mềm mại, thơ mộng.

Chùa Pháp Hoa ra đời trong bối cảnh Phật giáo Nam Bộ bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20, khi Phật giáo trở thành một trong những dòng chảy văn hóa và tâm linh quan trọng của người dân miền Nam.

Dưới sự dẫn dắt của nhiều vị cao Tăng lỗi lạc, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt Phật pháp của cộng đồng Phật tử Sài Gòn – Gia Định thời bấy giờ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Pháp Hoa vẫn đứng vững, duy trì nét cổ kính và trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân.

Chùa Pháp Hoa. Ảnh sưu tầm

Chùa Pháp Hoa. Ảnh sưu tầm

Chùa Pháp Hoa mang đậm dấu ấn kiến trúc Phật giáo Việt Nam kết hợp với một số đặc trưng của kiến trúc Á Đông. Từ tổng thể cho đến từng chi tiết, ngôi chùa toát lên vẻ uy nghiêm, thanh thoát và yên bình.

Chùa có tổng diện tích 620m2, được xây dựng trên một không gian thoáng đãng, hài hòa với thiên nhiên. Chùa có lối kiến trúc đăng đối, các mái ngói cong vút tạo cảm giác nhẹ nhàng và thanh thoát. Tòa chính được xây 3 tầng: tầng trệt đa năng thường dùng các sự kiện hội họp, tế lễ, trai đường; tầng hai phụng thờ chư vị Tổ sư khai sơn tạo tượng và chư vị chân linh; tầng ba là điện Phật được bài trí trang nghiêm; điện Phật tôn thờ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, hai bên thờ Bồ tát Quán Âm và Bồ tát Địa Tạng.

Các pho tượng được chạm trổ bằng gỗ mít, phủ sơn vàng, chiều cao chiều rộng cân đối với không gian thờ tự.

Khung cảnh chùa Pháp Hoa về đêm. Ảnh sưu tầm

Khung cảnh chùa Pháp Hoa về đêm. Ảnh sưu tầm

Một trong những nét độc đáo của chùa Pháp Hoa là tháp chuông cao vút, nổi bật giữa không gian thanh bình. Tiếng chuông chùa ngân vang mỗi sớm chiều, đem lại cảm giác thanh tịnh, giúp người dân tạm gác lại những lo toan thường nhật.

Không gian chùa, còn có tháp xá lợi – một công trình nhỏ nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, biểu trưng cho sự giác ngộ và giải thoát trong đạo Phật. Ngoài ra, chùa còn sở hữu một khoảng sân rộng lớn với những cây xanh cổ thụ và tiểu cảnh được bố trí hài hòa.

Hình ảnh những chiếc cầu nhỏ bắc qua ao sen và khuôn viên xanh mướt gợi lên sự bình yên và gần gũi với thiên nhiên. Điều này tạo nên không gian lý tưởng để thiền định và tĩnh tâm.

Ban thờ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Pháp Hoa. Ảnh sưu tầm

Ban thờ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Pháp Hoa. Ảnh sưu tầm

Vào những dịp lễ lớn như lễ Phật Đản, Vu Lan, chùa Pháp Hoa trở nên rực rỡ và lung linh với hàng ngàn chiếc đèn lồng thắp sáng dọc theo kênh Nhiêu Lộc. Ngôi chùa được mệnh danh chùa lồng đèn và lễ hội hoa đăng Phật Đản lớn nhất Việt Nam. Đây là nét văn hóa đặc trưng, tạo nên sức hút lớn cho chùa, thu hút đông đảo phật tử và du khách đến chiêm bái và tham dự lễ hội.

Các ngày lễ lớn quy tụ số lượng khách thập phương khá đông, ước chừng vài chục nghìn người với các tầng lớp nam nữ, già trẻ, bần nông tri thức,... Dựa trên nền tảng tâm thức được xây dựng từ nền văn hóa dân tộc, phần lớn người dân Việt đều mang trong mình những yếu tố tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh riêng.

Trong đó, có người yêu mến đạo Phật, có người xuất phát với niềm tin chư vị Thần Thánh, có người chỉ thờ cúng Tổ tiên ông bà, mục đích cuối cùng đều hướng đến thiện lành.

Ngôi già lam cổ tự chứa đầy chất liệu tu học, nơi đây vốn không phân biệt giai cấp, thế hệ, sắc tộc màu da... Chư tín đồ khắp nơi đổ về chỉ khao khát nguyện cầu sức khỏe, bình yên và công việc thuận lợi như ý.

Điện Phật tại chùa Pháp Hoa. Ảnh sưu tầm

Điện Phật tại chùa Pháp Hoa. Ảnh sưu tầm

Chùa Pháp Hoa không chỉ là nơi gìn giữ giá trị tâm linh và văn hóa Phật giáo mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Với bề dày lịch sử gần một thế kỷ, chùa Pháp Hoa đã trở thành một biểu tượng văn hóa và là điểm tựa tinh thần cho người dân thành phố Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị Phật giáo trong đời sống đương đại.

Thông tin tham khảo

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Ph%C3%A1p_Hoa_(Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh)

https://dacsanhoadam.vn/chua-phap-hoa-ngoi-gia-lam-giua-long-hon-ngoc-vien-dong/

Tổng hợp: Thúy Anh

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ngoi-gia-lam-phap-hoa-giua-long-hon-ngoc-vien-dong.html
Zalo