Tinh gọn bộ máy: Công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ sau sắp xếp

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính theo lộ trình đề ra, từ việc xác định phương án sắp xếp đến xử lý bài toán nhân sự..., đang được tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện một cách bài bản, với quyết tâm cao nhất.

Thành phố Hội An (Quảng Nam) bên bờ sông Hoài. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Thành phố Hội An (Quảng Nam) bên bờ sông Hoài. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Giải bài toán dôi dư

Theo ông Phan Văn Bình, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện nay, cả nước đang tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trên cơ sở các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức họp bàn, đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp; phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị và lộ trình thực hiện gắn với các mốc thời gian cụ thể. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với quyết tâm chính trị cao nhất. Theo số liệu thống kê và đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố sau khi sắp xếp sẽ giảm từ 233 đơn vị hành chính cấp xã, phường xuống còn 88 xã, phường, đạt 62,2%, đảm bảo tỷ lệ theo quy định.

Với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quyết định phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tại các huyện, thị, thành ủy; UBND tỉnh triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam. Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về hợp nhất cấp tỉnh, sáp nhập cấp xã hoàn thành ngày 20/4; HĐND cấp xã thông qua ngày 22/4; HĐND cấp huyện thông qua ngày 23/4; HĐND cấp tỉnh thông qua ngày 24/4/2025; hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình Chính phủ trước ngày 1/5; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7.

Các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn phải phát huy vai trò chủ động, tích cực, sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bảo đảm việc sắp xếp các đơn vị hành chính diễn ra đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Các tổ công tác ở từng thôn, tổ dân phố, khối phố; Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, khối phố và những người được phân công nhiệm vụ phải xác định trách nhiệm trong "cuộc cách mạng" chung của đất nước, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ việc lấy ý kiến; tiếp nhận phiếu, tài liệu phục vụ lấy ý kiến; thông báo thời gian, địa điểm lấy ý kiến; phát phiếu, đôn đốc, hướng dẫn cử tri ghi phiếu; kiểm phiếu, lập biên bản, lưu trữ tài liệu và gửi về UBND cấp xã để lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri theo quy định.

Về việc không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã sẽ dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ, theo ông Phan Văn Bình, thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát, thống kê số liệu về tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp để xây dựng phương án bố trí phù hợp theo định hướng của Trung ương. Qua rà soát, tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện có ở cấp huyện là 3.434 người (trừ viên chức y tế và giáo dục), ở cấp xã là 4.684, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 2.620 người.

Theo chủ trương chung, trước mắt, tỉnh cơ bản bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức bao gồm các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như hiện đã có để đảm bảo ổn định. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế từng cấp trong tổng biên chế chung của cả hệ thống chính trị.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay sẽ chấm dứt sử dụng kể từ ngày 1/8/2025, chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí những người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định. Những trường hợp có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc trong quá trình sắp xếp thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc rà soát, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định hiện hành; tuy nhiên, cần lưu ý phải đảm bảo giữ được người có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bố trí đảm nhiệm vị trí làm việc ở cấp xã mới thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Trong thời hạn 5 năm tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đúng theo quy định của Trung ương.

Thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng

Ông Phan Văn Bình cho biết thêm: Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60-NQ/TW) ban hành ngày 12/4/2025, các đơn vị hành chính cấp xã sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 và các đơn vị hành chính cấp tỉnh đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2025.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy bám sát các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch của Ban Chỉ đạo phát triển đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính (Ban Chỉ đạo 1644) để thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu đề ra.

Các nội dung cần tập trung triển khai như: Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt chủ trương của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, qua đó thống nhất nhận thức và hành động, tạo sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân trong triển khai thực hiện; thực hiện đúng quy trình, thủ tục lấy ý kiến cử tri về hợp nhất cấp tỉnh và sáp nhập cấp xã. Phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cần xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong việc lãnh đạo thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo định hướng của Trung ương, xác định phương châm "5 rõ" trong quá trình triển khai nhiệm vụ gồm: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng lòng và với sự quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Nam sẽ lãnh, chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Thành công của cuộc sắp xếp lần này không chỉ đo bằng số lượng đơn vị hành chính giảm đi mà còn ở chất lượng bộ máy được nâng lên, ở niềm tin và sự hài lòng của người dân và ở năng lực phát triển bền vững của địa phương mới.

Trần Tĩnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-cong-tam-khach-quan-trong-bo-tri-can-bo-sau-sap-xep-20250422091706736.htm
Zalo