18 doanh nghiệp sở hữu 'núi tiền', nắm gần nửa triệu tỷ đồng tiền mặt
Đến cuối năm 2024, Vingroup đã vượt PV Gas, trở thành 'vua tiền mặt' trên sàn chứng khoán với gần 47.800 tỷ đồng tiền, tiền gửi và các khoản tương đương tiền, tăng hơn 40% so với đầu năm.
![Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm gần 50.000 tỷ đồng "tiền tươi". Ảnh: VIC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_119_51433597/9b2750846bca8294dbdb.jpg)
Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm gần 50.000 tỷ đồng "tiền tươi". Ảnh: VIC.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang dần phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng năm 2024. Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhờ sở hữu lượng tiền gửi ngân hàng "khổng lồ", nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thu về hàng nghìn tỷ đồng lãi tiền gửi năm qua.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của các doanh nghiệp cho thấy đến cuối năm 2024, tổng lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các khoản tương đương tiền của 18 doanh nghiệp phi tài chính (trừ nhóm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) lớn nhất đã đạt gần 478.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Nắm giữ gần 50.000 tỷ đồng, Vingroup thành "vua tiền mặt"
Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đầu năm 2024, doanh nghiệp này xếp thứ 3 về lượng "tiền tươi" nắm giữ, thì cuối năm, tập đoàn của tỷ phú Vượng đã vươn lên vị trí dẫn đầu, vượt qua PV Gas để trở thành "vua tiền mặt" trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, tính đến cuối năm ngoái, Vingroup nắm giữ gần 47.800 tỷ đồng tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 36% so với đầu năm. "Núi tiền" mà tập đoàn này nắm giữ thậm chí lớn hơn vốn hóa của hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong đó, hơn 42.000 tỷ đồng đang được doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gửi vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 tháng, hưởng lãi suất trong khoảng 1,9-5,7%/năm. Trong khi đó, hơn 5.000 tỷ đồng được gửi với kỳ hạn dài hơn, từ 3 đến 12 tháng, với mức lãi suất cao nhất lên tới 7,1%/năm. Tập đoàn cho biết lãi suất này đã giảm so với mức 3,2-8,5%/năm của năm 2023.
Nhờ lượng lớn tiền gửi ngân hàng, chỉ riêng quý IV/2024, Vingroup đã thu về hơn 1.300 tỷ đồng tiền lãi.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_119_51433597/4d918232b97c5022096d.jpg)
Tương tự, CTCP Vinhomes (HoSE: VHM) - doanh nghiệp bất động sản thuộc Vingroup - cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về tiền mặt, các khoản tiền gửi và tiền gửi ngân hàng năm vừa qua.
Từ mức 18.000 tỷ đồng đầu năm 2024, đến cuối năm ngoái, Vinhomes đã nâng tổng lượng "tiền tươi" trên bảng cân đối kế toán đạt 32.261 tỷ đồng, tăng 80%, đưa doanh nghiệp này từ vị trí thứ 12 lên thứ 6 trong danh sách doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất. Số liệu này của Vinhomes cũng được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Vingroup, giúp tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất thị trường năm 2024.
Trong khi đó, Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (HoSE: GAS) - đơn vị từng dẫn đầu về lượng tiền mặt nắm giữ trên thị trường chứng khoán - lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể năm vừa qua. Lượng tiền mặt của tổng công ty này giảm từ 40.754 tỷ đồng xuống hơn 33.000 tỷ đồng, tức giảm hơn 18%, tụt xuống vị trí thứ 5.
Á quân tiền mặt trên sàn chứng chứng khoán năm 2024 thuộc về CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (HoSE: BSR). Chủ sở hữu nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) này đang nắm giữ 43.017 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng vào cuối năm 2024, tăng 13% so với đầu năm.
Trong đó, khoản tiền gửi ngân hàng của BSR chiếm gần 50% tổng tài sản, giúp doanh nghiệp thu về 1.248 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua. Đây cũng là nguồn thu quan trọng giúp công ty thu hẹp khoản lỗ nghìn tỷ từ năm trước.
Thế Giới Di Động, Vinamilk, FPT tăng giữ tiền mặt
Đáng chú ý, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã gia tăng gần 10.000 tỷ đồng tiền mặt năm vừa qua, lên 34.221 tỷ đồng, tương đương mức tăng ròng 40%. Ngoài ra, MWG cũng ghi nhận hơn 6.000 tỷ đồng đang được dùng để cho vay ngắn hạn, cao gấp 3 lần đầu năm.
Nhờ đó, Thế Giới Di Động lọt vào top 4 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM: VGI) thậm chí có mức tăng ấn tượng hơn, khi lượng tiền mặt của doanh nghiệp đã tăng 60% trong một năm, từ 23.000 tỷ đồng lên gần 37.000 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác cũng tăng tích trữ tiền mặt năm vừa qua gồm Tập đoàn FPT (HoSE: FPT), CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM), Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) và CTCP Viễn thông FPT (UPCoM: FOX)... đều ghi nhận mức tăng số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng 2 con số.
Ngược lại, hai doanh nghiệp trong ngành dầu khí là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (HoSE: PLX) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (UPCoM: OIL) vẫn giữ lượng tiền mặt lớn nhưng đã giảm so với đầu năm 2024.
Tương tự, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB).
Đáng chú ý, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) với mức giảm 15% đã không còn nằm trong danh sách các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, CTCP Viễn thông FPT - FPT Telecom (UPCoM: FOX) nhờ mức tăng 33%, từ 9.076 tỷ đồng lên 12.056 tỷ đồng, đã gia nhập "câu lạc bộ" chục nghìn tỷ đồng tiền mặt.