120.000 tỷ đồng sinh lời kém hiệu quả, Bảo hiểm tiền gửi thiếu năng lực tham gia tái cơ cấu hệ thống

Muốn tham gia sâu hơn vào tái cơ cấu hệ thống, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có tài chính đủ mạnh. Song với cơ chế đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hiện nay, việc tăng vốn của Bảo hiểm tiền gửi rất khó khăn.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước (đầu tư tài chính).

Tính đến tháng 9/2024, số tiền đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 119.072 tỷ đồng, chiếm 97,77% tổng nguồn vốn (121.783 tỷ đồng). Hiện nay, 99% tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện được đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong những năm gần đây gặp khó khăn, nguồn thu từ trái phiếu chính phủ giảm do lãi suất thấp. Theo số liệu do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cung cấp, khả năng sinh lời của nguồn vốn nhàn rỗi có xu hướng giảm dần từ 9,41% (năm 2013) xuống chỉ còn 3,82% (năm 2023).

Tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi được ghi nhận thành 2 phần: một phần đưa vào doanh thu để bù đắp chi phí hoạt động hàng năm (do Bộ Tài chính phê duyệt, giao động từ 17,5%-22%); phần còn lại đưa vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ (78%).

Trong 5 năm trở lại đây, thu lãi đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng đến 3.600 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hàng năm, Bộ Tài chính xác định tỷ lệ trích thu nhập dao động từ 17,5% - 22%/tổng số tiền lãi.

Sau khi bù đắp chi phí, chênh lệch thu chi rất thấp, số trích lập vào Quỹ Đầu tư phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khoảng 40 - 65 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là hơn 5.000 tỷ đồng, quá nhỏ để tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nguồn vốn để bổ sung tăng vốn điều lệ cho Bảo hiểm tiền gửi chỉ có từ hai nguồn: Ngân sách Nhà nước cấp và nguồn tích lũy từ Quỹ Đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo định hướng của nhà nước không cấp bổ sung ngân sách để bổ sung tăng vốn điều lệ, mà được sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để bổ sung.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu theo cơ chế hiện hành, dự kiến đến năm 2030, Quỹ Đầu tư phát triển đạt 1.250 tỷ đồng không đáp ứng được mục tiêu tăng vốn điều lệ theo chiến lược của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (đạt 15.000 tỷ đồng năm 2030).

“Với cơ chế hiện tại thì rất khó khăn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để tăng quy mô Vốn chủ sở hữu (vốn điều lệ) trong tương lai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhà nước giao”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Theo cơ quan này, khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam , khó khăn trong tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Vì vậy, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bổ sung một số hoạt động vào danh mục đầu tư từ nguồn vốn hoạt động theo hướng tương tự danh mục đầu tư quỹ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất phương án Bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua, bán trái phiếu của Chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; mua, bán trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ phát hành; gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ.

Để hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức Bảo hiềm tiền gửi trong việc thực hiện các hoạt động đầu tư, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư theo hướng dẫn của Chính phủ; Chính phủ quy định quy trình kiểm soát, quản lý rủi ro, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Giao Chính phủ quy định tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư, phương thức đầu tư.

Đồng thời, bổ sung quy định tổ chức Bảo hiểm tiền gửi mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi bao gồm: Vốn điều lệ của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi do nhà nước cấp; vốn vay; Quỹ Dự phòng nghiệp vụ; Quỹ Đầu tư phát triển; Quỹ Dự phòng tài chính; Vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sửa đổi cụm từ “nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi” thành “nguồn vốn hoạt động”.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định khác về chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi. Việc sửa đổi sẽ giúp tổ chức Bảo hiểm tiền gửi đảm bảo nguồn tích lũy để trích lập Quỹ Đầu tư phát triển bổ sung vốn điều lệ theo chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/120000-ty-dong-sinh-loi-kem-hieu-qua-bao-hiem-tien-gui-thieu-nang-luc-tham-gia-tai-co-cau-he-thong-d247853.html
Zalo