100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng
Ngày 26.12, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học '100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng' nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 2024).
100 năm trước, sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương trực thuộc Viện Đại học Đông Dương đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển hệ thống giáo dục về nghệ thuật ở Việt Nam.
Trong số các thành tựu và di sản to lớn mà Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại, tinh thần khai phóng và tiếp cận liên ngành đã mang tới những bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn. Tinh thần đó đã trở thành một trong những định hướng then chốt đối với việc tạo dựng các triết lý giáo dục và thực hành nghệ thuật mới trong quá trình hình thành và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam suốt một thế kỷ vừa qua.
Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, sự mở rộng của thực hành sáng tạo, nghệ thuật cùng với xu thế phát triển của nền kinh tế sáng tạo và các lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo trong khu vực và trên thế giới, liên ngành và khai phóng - những giá trị được xác lập từ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương dần trở thành một trong những định hướng then chốt thúc đẩy các hoạt động giáo dục nghệ thuật theo xu hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc làm rõ truyền thống và triết lý của các thực hành sáng tạo, giáo dục nghệ thuật liên ngành và khai phóng trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam cũng như khả năng ứng dụng cho hoạt động thực hành và đào tạo nghệ thuật hiện nay trở thành một trong những nhu cầu cấp thiết.
Tại Hội thảo, các đại biểu không chỉ hướng tới mục tiêu tìm hiểu và tôn vinh những giá trị và đóng góp to lớn của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong tiến trình phát triển lịch sử sáng tạo và và giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam để từ đó nhận ra những giá trị có thể kế thừa, phát triển và mở rộng trong bối cảnh hiện đại; mà đồng thời nhìn nhận một cách toàn diện về di sản giáo dục nghệ thuật từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ đó đề xuất những định hướng mới mẻ để phát triển giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật đương đại chia sẻ quan điểm, tranh luận học thuật mang tính xây dựng về các vấn đề đương đại giữa một khung cảnh hết sức sinh động và đa dạng với nhiều loại hình của đời sống sáng tạo và giáo dục nghệ thuật hiện nay. Điều này không chỉ tạo ra cuộc đối thoại thú vị giữa quá khứ và hiện tại với hàm nghĩa “ôn cố nhi tri tân” mà còn là những gợi mở cho những tầm nhìn xa hơn về tương lai và vai trò của sáng tạo nghệ thuật trong nền công nghiệp văn hóa sáng tạo trong bối cảnh phát triển của kỷ nguyên công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và hội nhập quốc tế.
Ngoài các báo cáo được trình bày trong phiên toàn thể, hội thảo tập trung trình bày và thảo luận xung quanh 6 nhóm chủ đề: Mỹ thuật Đông Dương và những vấn đề giáo dục nghệ thuật; Nghệ thuật và di sản nghệ thuật trong đời sống xã hội hiện nay; Từ sáng tạo đến thương mại - Tiêu dùng văn hóa và thị trường nghệ thuật; Kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam - Từ Trường Mỹ thuật Đông Dương nhìn về hôm nay; Thực hành nghệ thuật đương đại nhìn từ tiếp cận liên ngành; và Giáo dục đào tạo về công nghiệp văn hóa - sáng tạo.