Gỡ ba nút thắt để năng lượng tái tạo tăng tốc phát triển
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã mở đường cho năng lượng tái tạo nhưng tháo gỡ các nút thắt còn tồn tại, đặc biệt về pháp lý, hạ tầng và cơ chế giá điện mới là chìa khóa để biến tiềm năng thành hiện thực.

Một dự án điện gió. Ảnh: TL
Dòng chảy đầu tư vào năng lượng tái tạo - xanh
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sang năng lượng sạch, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự điều chỉnh của Quy hoạch điện VIII và cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 hứa hẹn sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng xanh.
Không chỉ các "ông lớn" trong ngành năng lượng mà ngay cả những doanh nghiệp chưa từng tham gia lĩnh vực này cũng đang nhảy vào cuộc chơi. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025 mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng đã công bố đầu tư lớn vào năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh với mục tiêu phát triển 25,5 GW năng lượng tái tạo và điện khí LNG vào năm 2030, và nâng lên 52,5 GW vào năm 2035.
Bên cạnh Vingroup, các doanh nghiệp trong ngành năng lượng như Trung Nam Group, TT Group, Bamboo Capital (BCG Energy), Sao Mai Group... cũng không ngừng rót vốn vào các dự án điện gió, điện mặt trời, LNG và đang mở rộng sang các loại hình năng lượng mới như hydrogen.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia lĩnh vực này. Trong cuộc gặp Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây, ông Tow Heng Tan, Chủ tịch Tập đoàn Sembcorp bày tỏ mong muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo và turbin khí đồng thời kiến nghị hợp tác đào tạo và phát triển điện gió ngoài khơi.
Với Tập đoàn SK (Hàn Quốc), trong buổi gặp lãnh đạo Bộ Công Thương vào ngày 18-4 vừa qua, đại diện tập đoàn này bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển các nhà máy điện LNG tại Việt Nam, đặc biệt tại Nghệ An và Thanh Hóa. Các tên tuổi lớn khác trong ngành năng lượng toàn cầu như EDF Renewables, BP, Shell, TotalEnergies... cũng đã có mặt hoặc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Phải sớm gỡ "nút thắt" để nhà đầu tư yên tâm
Dù tiềm năng to lớn và dòng vốn đầu tư dồi dào nhưng con đường chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Các chuyên gia và nhà đầu tư đã chỉ ra những "nút thắt" lớn, đặc biệt là về pháp lý, hạ tầng truyền tải và cơ chế giá điện. Trong khi đó, số lượng dự án lớn trong 5 năm tới là nhiều, đòi hỏi nguồn nhân lực và thời gian xử lý thủ tục khổng lồ.

Một dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh: H.P
Theo một chuyên gia về năng lượng, số lượng dự án dự kiến đưa vào trong hơn 5 năm tới rất lớn, đòi hỏi nhân lực, thời gian để làm các thủ tục cần thiết như đấu thầu, chọn thầu, phê duyệt chủ trương đầu tư, thương thảo hợp đồng mua bán điện, giám sát, quản lý xây dựng và công nhận vận hành thương mại… Đây là thách thức với chính quyền địa phương và cả doanh nghiệp.
Từ góc độ doanh nghiệp làm nhiệm vụ cấp điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, có cập nhật và rà soát thường xuyên việc tiến độ triển khai.
Với các địa phương cần tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phê duyệt chủ trương, cấp đất... Đồng thời, các tỉnh sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển, kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới khi thực hiệp hợp nhất các đơn vị hành chính nhằm thực hiện đúng quy hoạch.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm ban hành khung giá cho các loại hình phát điện, đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt. Đối với điện gió ngoài khơi, lĩnh vực còn mới mẻ tại Việt Nam, việc xác định mức giá cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc kỹ lưỡng bối cảnh trong nước.
Một thách thức đáng kể là nguồn vốn đầu tư cho điện gió ngoài khơi chủ yếu bằng đô la Mỹ trong khi giá điện lại được tính bằng đồng Việt Nam. Các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro tỷ giá vì thời gian triển khai dự án trung bình 5 năm trong khi tiền đồng có thể mất giá khoảng 4-6% mỗi năm. Điều này có thể dẫn đến khoản lỗ lũy kế khoảng 30% sau 5 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đề cập đến việc phát triển mạnh năng lượng tái tạo nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần cho cả đầu vào, đầu ra. Đây là vấn đề cần phải giải quyết.
Tại buổi công bố Quy hoạch Điện 8 điều chỉnh mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, với nhu cầu vốn hàng năm cho ngành điện là 16-18 tỉ đô la và sẽ tăng lên 20 tỉ đô sau năm 2035, vấn đề chính sách giá điện phù hợp với thị trường cần được tính toán. Ông nhấn mạnh, việc điều chỉnh khung giá điện hàng năm, đảm bảo đủ hấp dẫn nhà đầu tư ban đầu và điều chỉnh linh hoạt theo yếu tố đầu vào.
Nhiều chuyên gia năng lượng như TS. Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới cũng cho rằng, cần giải quyết dứt điểm những vấn đề giá mua bán điện của những dự án cũ để nhà đầu tư có niềm tin và an tâm rót vốn đầu tư.