K-pop trở thành hiện tượng được 'săn đón' giữa căng thẳng thương mại
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng lệnh cấm đối với văn hóa Hàn Quốc, mở ra cơ hội đưa làn sóng K-pop vào nước này.

Nhóm nhạc nam Hàn Quốc Epex. Ảnh: Mbcplus | Imazins | Getty Images
Ngày 28.4, nhóm nhạc K-pop Epex đã thông báo cho người hâm mộ sẽ tham gia biểu diễn tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) vào ngày 31.5 tới.
Đây là lần đầu tiên một nhóm nhạc thần tượng toàn nghệ sĩ Hàn Quốc tham gia biểu diễn tại Trung Quốc đại lục kể từ năm 2016.
Ngoài ra, theo Hiệp hội các nhà sản xuất giải trí Hàn Quốc, đại nhạc hội quy mô lớn Dream Concert thường niên, một sự kiện K-pop hoành tráng lâu đời nhất tại Hàn Quốc, cũng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26.9 tại sân vận động có sức chứa 40.000 chỗ ngồi ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Bà Oh Jiwoo, nhà phân tích nghiên cứu tại chi nhánh Hàn Quốc của CGS International Securities Hong Kong (Trung Quốc) nhận định sự xuất hiện của các nhóm nhạc K-pop Hàng Quốc sẽ mang đến một "bước ngoặt mang tính cấu trúc" tại Trung Quốc.
“Sự thay đổi chính sách là một phần trong chiến lược quy mô lớn hơn của Trung Quốc nhằm phục hồi nhu cầu trong nước giữa bối cảnh chi tiêu tiêu dùng suy thoái kéo dài", bà Oh Jiwoo nói.
Chi tiêu tiêu dùng đã đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2018, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 30% trong những năm gần đây, khiến mức tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng của nước này gần bằng 0.
"Để ứng phó, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy các sự kiện văn hóa giải trí - bao gồm cả các buổi hòa nhạc nhạc pop nước ngoài - để kích thích chi tiêu tiêu dùng trong du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại địa phương", bà Oh Jiwoo nói thêm.
Vào ngày 25.4, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ban hành thông báo kêu gọi tăng cường các sự kiện văn hóa, bao gồm các buổi hòa nhạc và lễ hội âm nhạc.
Bà Oh cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu album lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Nhật Bản và Mỹ, và hiện là thị trường âm nhạc lớn thứ hai ở châu Á, khẳng định tầm quan trọng chiến lược của thị trường này.
Ngoại giao văn hóa
Các nhà phân tích cũng khẳng định Trung Quốc muốn thúc đẩy ngoại giao văn hóa, tăng cường các buổi biểu diễn của K-pop ở nước này nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trong nước.
Ngoại giao văn hóa trở thành điểm khởi đầu quan trọng để nới lỏng lệnh cấm không chính thức của Trung Quốc đối với nội dung văn hóa Hàn Quốc và khôi phục lại năng lực chi tiêu trong nước nhờ vào K-pop.
Việc mang K-pop vào dịch vụ du lịch có thể giúp đa dạng hóa các dịch vụ văn hóa và thúc đẩy thiện chí trong khu vực.
Theo các nhà quan sát, sự thay đổi này không chỉ khôi phục chi tiêu của người hâm mộ mà còn mang đến cơ hội để tăng cường sự gắn kết văn hóa ở Châu Á, đặt nền tảng cho sự tăng trưởng có cấu trúc dài hạn trong khu vực.
Giảm tác động về thuế quản
Việc tăng cường các chương trình biểu diễn tại Trung Quốc, với sự góp mặt của các nhóm nhạc K-pop, có thể tiếp thêm sinh lực cho ngành công nghiệp giải trí ở Hàn Quốc. Hiện ngành công nghiệp này đang có triển vọng tăng trưởng giữa các mối đe dọa về thuế quan.
Bà Ji In-hae từ công ty Shinhan Securities nhận định "mặc dù thị trường rất biến động do các vấn đề liên quan đến thuế quan nhưng ngành giải trí và phương tiện truyền thông không bị ảnh hưởng quá nhiều. Vì vậy, chính sách ngoại giao văn hóa của Trung Quốc gần đây được cho là có "cơ sở tích cực."
Các yếu tố thúc đẩy doanh thu cốt lõi như hình thức phát trực tuyến hay các chương trình hòa nhạc đang thu hút số lượng lớn người hâm mộ, và được xem là “miễn nhiễm” với thuế quan xuyên biên giới.
Ngay cả khi người hâm mộ mua album và hàng hóa, thì mức độ tiếp xúc với thuế quan là "không đáng kể", xét đến giá đơn vị thấp và nhu cầu trung thành của người hâm mộ.
"So với chất bán dẫn hoặc ô tô, loại hàng hóa mà chính sách thương mại toàn cầu tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng và giá cả, thì mức tiêu thụ K-pop ít nhạy cảm hơn nhiều trong các biện pháp bảo hộ", bà Ji In-hae nói thêm.
Chất bán dẫn và ô tô là hai trong số những mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc.
Tháng trước, Hàn Quốc đã công bố gói hỗ trợ trị giá 23 tỷ đô la cho ngành bán dẫn trong bối cảnh bất ổn xung quanh thuế quan của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các loại xe được nhập khẩu vào Mỹ và thêm 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Các hãng xe như Hyundai và Kia của Hàn Quốc hiện cũng nằm trong tám thương hiệu bán chạy nhất tại Mỹ, theo thị trường ô tô Carpro. Quốc gia này cũng là nước xuất khẩu thép lớn thứ tư sang Mỹ vào năm 2024, theo Bộ Thương mại Mỹ.