1 luật sửa 7 luật: Tăng ưu đãi đầu tư công nghệ, cắt giảm thủ tục hành chính
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật hiện hành nhằm tăng ưu đãi cho công nghệ, phân cấp mạnh, cắt giảm thủ tục, hỗ trợ địa phương...
Sáng 17/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật hiện hành, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ưu tiên đấu thầu, miễn thuế nhập khẩu cho lĩnh vực bán dẫn, hạ tầng số
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH
Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với một số nội dung đáng chú ý.
Đối với Luật Đấu thầu, dự thảo Luật Đấu thầu đề xuất bổ sung chính sách ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu để hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo đảm quyền tự chủ của tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học. Đồng thời, mở rộng phạm vi áp dụng luật với doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn) và đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, 2 không sử dụng ngân sách nhà nước.
Về phân cấp, dự thảo đề xuất Luật chỉ quy định nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết về chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh nhằm tạo cơ chế linh hoạt, kịp thời cho các dự án lớn, cấp bách.
Đối với Luật PPP, dự thảo bổ sung chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo hướng cho phép hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; bổ sung cơ chế chấm dứt hợp đồng sớm với dự án khoa học công nghệ có doanh thu thực tế dưới 50% dự kiến; bổ sung chỉ định thầu với nhà đầu tư đề xuất dự án, sở hữu công nghệ chiến lược hoặc đã triển khai hạ tầng số cũng như hình thức lựa chọn đặc biệt cho dự án PPP khoa học công nghệ.
Đặc biệt, dự thảo đề xuất nhiều chính sách nhằm giảm thủ tục hành chính, tăng phân cấp phân quyền cho cấp tỉnh, Bộ trưởng/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/ Bộ quản lý ngành.
Đối với Luật Hải quan, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ; bổ sung một điều mới quy định về thủ tục hải quan cho hoạt động xuất khẩu tại chỗ.
Đối với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, dự thảo luật đề xuất mở rộng miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như: Máy móc, thiết bị, phụ tùng chuyên dùng; hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định cho dự án công nghệ; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất của tổ chức khoa học, công nghệ; nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được dùng để sản xuất sản phẩm công nghệ số. Đồng thời, bãi bỏ khoản 18 Điều 16 của Luật hiện hành.
Đối với Luật Đầu tư, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo hướng bổ sung ngành, nghề ưu đãi gồm: đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, điện toán đám mây, 5G trở lên và hạ tầng số chiến lược; đầu tư đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khu công nghệ số tập trung vào địa bàn ưu đãi đầu tư cũng như quy định ưu đãi đặc biệt cho dự án thuộc lĩnh vực công nghệ chiến lược.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 17/5. Ảnh: VPQH
Trong khi đó, Luật Đầu tư công đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù và ưu tiên vốn cho dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, quy định hạn mức vốn gấp 2 lần kế hoạch đầu tư công hiện tại để chủ động thẩm định, phê duyệt, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”.
Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất bỏ quy định về chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; bỏ thẩm quyền đầu tư công cấp huyện cũng như cắt giảm một số thủ tục hành chính và chuyển thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chính phủ, vốn từ ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân về Ủy ban nhân dân.
Về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước sẽ được quản lý theo pháp luật về khoa học, công nghệ và sở hữu trí tuệ. Đồng thời, lược bỏ quy định quản lý, sử dụng tài sản từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ dùng vốn nhà nước… Đặc biệt, bãi bỏ quy định sử dụng tài sản công để thanh toán hợp đồng BT cũng như khai thác quỹ đất tạo vốn đầu tư hạ tầng.
Cần bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách khi sửa các luật
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản đồng tình với đề xuất cho phép doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi phí được tự quyết định đấu thầu đối với mua sắm, đầu tư không dùng ngân sách, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH
“Với vốn ngân sách, vẫn phải áp dụng Luật Đấu thầu, cần rà soát bảo đảm phù hợp Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Sử dụng vốn đầu tư công”- ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về Luật PPP, Ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất bỏ quy định cấm thu phí trực tiếp và không bảo đảm quyền lựa chọn người dùng trong một số dự án cao tốc, đồng thời chỉ áp dụng cơ chế tháo gỡ cho dự án BOT trước 2020 nếu có trách nhiệm từ phía Nhà nước, với quy định rõ ràng, minh bạch.
Về Luật Đầu tư công, Ủy ban đồng ý bổ sung chính sách cho dự án đặc biệt và giải phóng mặt bằng, nhưng đề nghị rà soát kỹ các đề xuất khác để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp khả năng cân đối ngân sách.
Đối với các luật liên quan như Hải quan, Thuế xuất nhập khẩu, Đầu tư, Quản lý tài sản công, Ủy ban thống nhất với hướng sửa đổi nhằm ưu đãi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đề nghị tăng giám sát, hậu kiểm và rà soát phân cấp cho phù hợp chủ trương mới.