Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật pháp không phục vụ cho lợi ích của nhóm nào cả mà cho toàn dân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, chiều 17/5, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thảo luận tại Tổ 1 về các dự thảo Luật: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thể chế đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển; đồng thời thể chế, pháp luật cũng được xác định rõ là động lực nền tảng cho phát triển. Do đó, mấy kỳ họp gần đây, cả thường kỳ và bất thường, Quốc hội đều tập trung vào công tác lập pháp, nhất là Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, bước đầu mới nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định có vướng mắc trên thực tế, về lâu dài sẽ nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi căn bản, toàn diện - Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, trước đây, việc xây dựng pháp luật chủ yếu tập trung cho quản lý xã hội, quản lý trật tự, quản lý hành vi... còn "cái gì không quản được thì cấm"; trong khi đó: "yêu cầu rất cao về huy động sức dân, quy định có tính mở đường, khuyến khích, có tầm nhìn cho phát triển để kiến tạo thì ít được để ý". Chính vì vậy, một trong những luật được đặt vấn đề sửa đổi đầu tiên là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xử lý triệt để những chồng chéo, mâu thuẫn.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Tổng Bí thư, trước hết, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.

Cùng với đó, công tác thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng và thực chất; gắn liền với công khai, minh bạch, tạo thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

“Luật pháp không phục vụ cho lợi ích của nhóm nào cả mà cho toàn dân, cho mọi đối tượng”, Tổng Bí thư nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh, các quy định phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư cho biết, ngày 18/5 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời cũng sẽ bàn về 4 Nghị quyết hết sức quan trọng đã ban hành trước đó về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế...

Qua lắng nghe ý kiến các đại biểu Quốc hội tại tổ Hà Nội về các dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 này, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quốc hội chủ yếu mới xem xét sửa đổi một số điều để xử lý những vấn đề bức xúc, khó khăn, cản trở thực tiễn... Hiện nay các cơ quan chức năng đang xây dựng thêm các nghị quyết về giáo dục đào tạo, về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trên tinh thần phải khẩn trương.

Quốc tịch hay hộ chiếu là những điều thiêng liêng

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Tổng Bí thư định hướng cần thể hiện được niềm vinh dự, dân tộc Việt, sự đoàn kết, tập hợp lực lượng, vai trò của từng cá nhân trong luật. Khẳng định “Quốc tịch hay hộ chiếu là những điều thiêng liêng", Tổng Bí thư lưu ý, trong dự án Luật Quốc tịch Việt Nam cần huy động được sức mạnh, tôn vinh được những người đóng góp cho đất nước (người nước ngoài); đồng thời cũng lưu ý, mặc dù xây dựng Luật Quốc tịch sửa đổi, có nhiều điều khoản "thông thoáng", nhưng cần có các quy định để trừng trị những đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Quốc tịch để làm giả giấy tờ và các loại tội phạm khác liên quan.

Góp ý vào dự án Luật Quốc tịch Việt Nam, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cho biết, hiện nay trong dự thảo vẫn chưa thể hiện rõ cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch. Nếu không thể hiện rõ thì tính khả thi sẽ hạn chế và khó trọng dụng được nhân lực chất lượng cao, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, đại biểu đề nghị, tiếp tục làm rõ cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch; đề nghị rà soát các luật liên quan khi có điều khoản mở rộng đối tượng nhập quốc tịch để liên thông, đồng bộ, thống nhất. Đại biểu thành phố Hà Nội cũng đề nghị số hóa thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục, quy trình nhập quốc tịch; cần có lộ trình cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng liên quan.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng tình với việc dự thảo luật thừa nhận đa quốc tịch, phù hợp với quốc tế và thông lệ pháp lý của nhiều quốc gia, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) khẳng định, đây là chính sách nhân văn để duy trì mối quan hệ giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với Tổ quốc. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong dự thảo đang thiếu quy định về bảo hộ công dân trong trường hợp đa quốc tịch. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị bổ sung nguyên tắc xác định quốc tịch hiệu lực trong trường hợp đa quốc tịch, làm cơ sở để Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo hộ công dân khi có rủi ro pháp lý ở nước ngoài...

Các ý kiến cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét, quyết định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam, được hưởng các quyền của công dân Việt Nam. Tuy nhiên nội dung trong dự thảo chưa có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch.

Việc Chính phủ trình sửa Luật theo hướng “nới lỏng" chính sách cho nhập trở lại quốc tịch Việt Nam và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tong-bi-thu-to-lam-luat-phap-khong-phuc-vu-cho-loi-ich-cua-nhom-nao-ca-ma-cho-toan-dan-20250517213445562.htm
Zalo