Yếu tố tác động mạnh nhất đến giá vàng thế giới tuần này
Trong tuần qua, trong khi giá vàng thế giới tăng khoảng 3% thì giá vàng trong nước đã tăng đến 7%, cao gấp đôi tốc độ tăng của giá vàng thế giới. Các chuyên gia đang cảnh báo nhà đầu tư cần vô cùng thận trọng.
Sau hai tuần có những sự điều chỉnh nhất định về giá, vàng thế giới đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bởi giữ được ở trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng là 2.300USD/ounce, theo phân tích của nhiều chuyên gia.
Giá vàng thế giới tăng 3% trong tuần
Trong tuần vừa qua, sau khi ở ngưỡng thấp vào thời điểm đầu tuần, đến thời điểm chốt tuần, giá vàng thế giới giao hợp đồng tương lai tháng 6-2024 ở mức 2.375,4USD/ounce, tăng gần 3% so với mức đóng cửa của phiên ngày thứ Sáu tuần liền trước (ngày 3-5).
Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh rằng vàng đang hưởng lợi từ kỳ vọng lãi suất sau khi Mỹ công bố loạt số liệu kinh tế gây thất vọng. Ngày thứ Năm (ngày 9-5), số liệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng vượt kỳ vọng cho thấy thị trường lao động Mỹ trì trệ, trước đó, số liệu người Mỹ có việc làm trong các ngành nghề phi nông nghiệp cũng đã gây thất vọng.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ do đại học Michigan – Mỹ khảo sát và công bố cũng đồng thời cho thấy niềm tin người tiêu dùng thấp nhất trong 5 tháng. Trong khi đó kỳ vọng lạm phát hiện cao nhất trong gần 2 năm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo về khả năng nếu giá vàng có tăng, điều đó cũng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Zaye Capital Markets, ông Naeem Aslam, nhấn mạnh: “Nhà đầu tư hiện đang chưa đón nhận được tín hiệu rõ ràng từ Fed liên quan đến chính sách tiền tệ. Số liệu việc làm cũng như nhiều số liệu kinh tế khác cho thấy nền kinh tế đang chững lại, tuy nhiên Fed hiện vẫn đang quyết tâm duy trì lãi suất trong thời gian dài hơn. Tất cả những yếu tố này đang đẩy chỉ số đồng USD tăng trở lại và làm cho vàng trở nên kém sức hấp dẫn”.
Thông tin kinh tế Mỹ quan trọng nhất có ảnh hưởng quan trọng đến giá vàng thế giới tuần này sẽ là chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 4-2024 dự kiến công bố vào ngày thứ Tư (ngày 15-5). Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp cuộc chiến chống lại lạm phát dường như chưa đi đến hồi kết bởi giá cả Mỹ hiện vẫn tăng trên ngưỡng mục tiêu 2%.
Những thông tin kinh tế có ảnh hưởng quan trọng đến giá vàng thế giới cần theo dõi trong tuần này bao gồm: Chỉ số giá sản xuất Mỹ (PPI), bài phát biểu của chủ tịch Fed tại Amsterdam – Hà Lan vào ngày thứ Ba (ngày 14-5); Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ, doanh số bán lẻ Mỹ và khảo sát về tình hình sản xuất Mỹ (New York Fed Empire State) vào ngày thứ Tư (ngày 15-5); số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, số lượng giấy phép nhà xây mới, khảo sát tình hình sản xuất tại khu vực Philadelphia – Mỹ do Fed thực hiện và công bố vào ngày thứ Năm (ngày 16-5).
Giá vàng trong nước hạ sâu sau khi lập đỉnh mới
Ngày 8-5, trong phiên gọi thầu lần thứ 5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng miếng SJC cho 3 đơn vị với giá 86,05 triệu đồng một lượng và còn ế 13.400 lượng.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường tổng cộng 6.800 lượng vàng miếng, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số mời thầu (84.000 lượng). Thông tin đấu thầu vàng chỉ đạt 3.400 lượng và giá chào thầu cao lập tức đẩy tăng giá vàng trong nước.
Trong tuần vừa qua, giá vàng miếng SJC trong nước đã thiết lập mức cao chưa từng có 92,4 triệu đồng/lượng. Ở mốc đó, giá vàng miếng SJC cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi đến gần 20 triệu đồng/lượng.
Sáng ngày 11-5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài. Thông điệp này lập tức khiến cho giá vàng miếng SJC quay đầu hạ sâu, mất hơn 1 triệu đồng/lượng ngay trong ngày giao dịch.
Ở thời điểm đầu giờ sáng ngày 13-5, giá vàng SJC niêm yết ở mức 88,8 – 91,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch mua vào – bán ra lên đến 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng PNJ giao dịch ở mức 74,9 – 76,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch mua vào – bán ra doãng rộng hơn so với những ngày trước đó lên mức 1,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trơn PNJ ở mức 74,9 – 76,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch mua vào – bán ra là 1,8 triệu đồng/lượng.
Trong một nhận định gần đây, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng để bình ổn được thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cần phải bán vàng ở mức giá chào thầu thấp hơn so với thị trường. Ông Linh tính toán nếu giá trị trường ở mức khoảng 90 triệu đồng/lượng, giá chào thầu cần phải thấp hơn 80 triệu đồng/lượng mới có thể phần nào bình ổn được thị trường.
NGỌC DIỆP