Yếu tố quan trọng trong xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh

Là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, Thủ đô Hà Nội đã từng bước triển khai bài bản, hiệu quả, đưa Nghị quyết thấm sâu vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, đồng thời góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

Đáp ứng nhu cầu của thực tiễn

Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước. Các thống kê cho thấy, hiện doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chiếm khoảng 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, đóng góp trên 40% GDP. Tại Hà Nội, hiện có trên 250 nghìn doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tại Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021 tăng trung bình khoảng 5%/năm. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô (Chiếm 67% trên tổng số việc làm; đóng góp khoảng 30% GDP của Thủ đô…) Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp tư nhân đa dạng, từ thương mại, dịch vụ, đến các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao như tài chính, ngân hàng, bất động sản, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, du lịch sinh thái… Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, trước sự lớn mạnh không ngừng của kinh tế tư nhân, câu chuyện phát triển tổ chức Đảng trong khu vực này rất cần thiết, đóng vai trò tích cực vào việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trao quyết định kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Hội Doanh nghiệp xã Di Trạch, huyện Hoài Đức.

Trao quyết định kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Hội Doanh nghiệp xã Di Trạch, huyện Hoài Đức.

Do vậy, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 27/2/2012) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Sau đó tiếp tục ban hành Kết luận số 67-KL/TU ngày 10/7/2020 “ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/02/2012 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2025. Đây là những căn cứ rất quan trọng để chủ trương đi vào thực tiễn.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập được 1.711 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân. Các tổ chức Đảng được thành lập trong doanh nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp; lãnh đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng lao động… góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững hơn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững

Sau nhiều nỗ lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Hiệp Thành Ngô Văn Khoa đã được Chi bộ Hội Doanh nghiệp xã Di Trạch (Đảng bộ Khối doanh nghiệp huyện Hoài Đức) kết nạp vào Đảng đúng dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/2024. Đảng viên dự bị Ngô Văn Khoa chia sẻ: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 1995, tôi đã phát triển kinh doanh, mở nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau. Hiện nay tôi là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là chủ doanh nghiệp, tôi càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, phấn đấu để được chuyển Đảng chính thức sau một năm dự bị”. Cũng bày tỏ niềm vinh dự, khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần ô tô Trung Thượng Lê Thị Thu Hà tâm sự: “Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã mang lại kết quả rất lớn cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, từ đó góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu, đẹp. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng ở độ tuổi không còn trẻ, tôi mong muốn mình sẽ trở thành tấm gương cho các con, cháu noi theo. Đồng thời, làm cho lớp trẻ thấy rằng, khi mình có lý tưởng, có phấn đấu thì sẽ được tổ chức ghi nhận”.

Bữa cơm công nhân luôn được quan tâm.

Bữa cơm công nhân luôn được quan tâm.

Tại huyện Đông Anh, trong 6 tháng đầu năm, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp huyện đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo hiệu quả công tác xây dựng Đảng và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Đảng ủy Khối đã tiếp nhận 1 Chi bộ về sinh hoạt với 11 đảng viên và thành lập 2 Chi bộ mới với 20 đảng viên. Đảng ủy và các cấp ủy đã tập trung vào tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người lao động; tiến hành kiểm tra việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phân công công tác cho đảng viên, và thực hiện mô hình “Chi bộ 4 tốt” đối với 5 chi bộ.

Đáng chú ý, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp huyện đã phối hợp với Ngân hàng Vietcombank và Hội Cựu chiến binh Huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hội viên Hội Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức chương trình thiện nguyện, tặng quà cho học sinh nghèo tại các trường vùng cao tỉnh Lạng Sơn… Còn tại huyện Thanh Trì, các cấp ủy đã tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của 8 doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó đã thành lập Chi bộ tại 1 công ty.

Trong công tác quản lý và phát triển đảng viên, các cấp ủy đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh mới, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ và sinh hoạt chuyên đề. Trong khi đó Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Long Biên mới đây đã tổ chức Ngày hội giao lưu thể thao cho gần 400 cán bộ, đảng viên, người lao động của các doanh nghiệp có tổ chức Đảng trực thuộc. Hoạt động này là dịp để tăng cường giao lưu, đoàn kết, học tập, trao đổi kinh nghiệm của các đảng viên, chủ doanh nghiệp, cũng như công nhân nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, đã có 2.018/2.119 (đạt 95,23%) tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trực thuộc các quận, huyện, thị ủy; 146/279 (đạt 52,3%) tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức Đảng với ban lãnh đạo doanh nghiệp cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn của từng loại hình, thực tiễn đặt ra đối với từng doanh nghiệp. Đặc biệt, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập mới 65 tổ chức Đảng (đạt 72,2%) trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp mới 501 đảng viên (đạt 55,5%). Nhiều đơn vị đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc

Kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cho thấy, bài học được đúc kết chính là sự sâu sát của các cấp ủy Đảng đã giúp chủ trương đi vào cuộc sống. Bởi muốn thành lập được tổ chức Đảng, các cấp ủy phải nắm chắc được tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, phải thực sự coi trọng và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, từ đầu năm đến nay các cấp ủy đã thực hiện khảo sát trên 800 doanh nghiệp, thực hiện khảo sát sâu hơn 400 doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Qua khảo sát có 81 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng; 153 doanh nghiệp có từ 1-2 đảng viên.

Bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 27/2/2012) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Sau đó tiếp tục ban hành Kết luận số 67-KL/TU ngày 10/7/2020 “ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/02/2012 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2025. Đây là những căn cứ rất quan trọng để chủ trương đi vào thực tiễn. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập được 1.711 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân. Các tổ chức Đảng được thành lập trong doanh nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp; lãnh đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…

Tuy nhiên, thực tế công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn. Nội dung sinh hoạt chi bộ một số nơi còn mang tính hình thức, chế độ sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ chưa đi vào nề nếp. Công tác quản lý đảng viên ở một số doanh nghiệp thiếu chặt chẽ; công tác rà soát, sàng lọc đảng viên đã được triển khai nhưng chưa quyết liệt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy có lúc, có nơi còn lúng túng; phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy còn chậm đổi mới, thiếu tính chủ động, chưa quyết liệt. Việc triển khai các nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, cán bộ làm công tác đảng chủ yếu kiêm nhiệm và thường xuyên biến động. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục chỉ đạo, tiến hành đồng bộ các giải pháp để đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU thành phố Hà Nội, mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo chia sẻ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU thời gian tới các cấp ủy, tổ chức Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó, tiếp tục chú trọng triển khai các giải pháp phát triển đảng viên, đoàn viên; tích cực chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các nội dung của Nghị quyết số 09-NQ/TU, đặc biệt đối với công tác phát triển Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền sâu, đậm về các mô hình, loại hình hoạt động hiệu quả cũng như việc triển khai quy chế phối hợp tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Bày tỏ thống nhất cao với việc xây dựng đề án về “Tăng cường khám sức khỏe sinh sản; tầm soát, phát hiện sớm ung thư và bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động khu công nghiệp và chế xuất năm 2024 - 2025”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dânThành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cùng với đó, các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động, thanh niên.

Từ thực tiễn cho thấy, tổ chức Đảng là cầu nối gắn kết doanh nghiệp chặt chẽ hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp; đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ở các doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nước ngoài, nơi nào có tổ chức Đảng, ở đó dường như có sự quản trị doanh nghiệp tốt hơn, việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước cũng tốt hơn; đời sống của người lao động được quan tâm đầy đủ, tranh chấp lao động, đình công ít xảy ra; đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, là yếu tố quan trọng trong xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/yeu-to-quan-trong-trong-xay-dung-giai-cap-cong-nhan-lon-manh-176129.html
Zalo