Các ngân hàng trung ương lớn hạ lãi suất: Áp lực đè nén 2-3 năm qua sắp được giải tỏa
Áp lực đè nén 2-3 năm qua sắp được giải tỏa. Tuy nhiên, khả năng suy thoái cũng đang là một ẩn số phía trước và có sự khác nhau giữa nhận định của các chuyên gia.
Chia sẻ tại chương trình WeTalk “Đầu tư gì cuối năm 2024?” tổ chức tại Hà Nội sáng 15/9, ông Trần Ngọc Báu, CEO & Founder Wigroup nhấn mạnh, giữa tuần tới sẽ là một ngày lịch sử khi từ 18/9 quyết định hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu có hiệu lực áp dụng. Tiếp đến, rạng sáng 19/9, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn ra quyết định về hạ lãi suất, đúng như kỳ vọng của giới đầu tư.
Theo ông Báu, lãi suất quay lại giai đoạn giảm nhưng về định lượng sẽ có sự phân hóa, trong đó Châu Âu có thể lựa chọn duy trì tổng tài sản đi ngang, thay vì mạnh tay thu hẹp như giai đoạn trước.
“Rất khó để "tiền rẻ" lên ngôi như giai đoạn trước. Tuy nhiên, áp lực lạm phát không còn đè nặng. Nhà điều hành chính sách tại nhiều ngân hàng trung ương lớn đứng trước niềm vui vì áp lực đè nén 2-3 năm qua được giải tỏa”, ông Báu cũng nhấn mạnh. Tuy vậy, cũng theo ông Báu, cũng không nên lạc quan quá vì tới đây sẽ vẫn còn ẩn số về khả năng suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo quan điểm của ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital từ kinh nghiệm đầu tư, nền kinh tế thế giới suy thoái là rủi ro lớn nhất và trong khoảng chục năm có thể xuất hiện trở lại và mức độ thiệt hại từng ghi nhận rất lớn nếu rủi ro có suy thoái xảy ra.
Trong quá khứ, VN-Index và S&P500 có mức độ tương quan cao. Nguyên nhân bởi Mỹ vẫn là nền kinh tế chiếm 30% GDP toàn cầu, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu có thể kéo theo sự biến động của thị trường tài chính khác. CEO của SGI Capital cho rằng với các dữ liệu hiện tại, sẽ khó đưa ra câu trả lời về việc xảy ra hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm đối với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, dữ liệu ông Phúc quan tâm là nhu cầu việc làm. Theo ông, đây là chỉ số trễ nhất trong các chỉ số liên quan đến sức khỏe của nền kinh tế. Dựa trên số liệu quá khứ, mỗi lần thất nghiệp tăng, xác suất đi vào suy thoái của kinh tế Mỹ cao hơn bình thường. Thất nghiệp tăng sẽ ảnh hưởng chi tiêu hàng hóa dịch vụ
Khi thất nghiệp đi xuống và có gia tốc giảm, muốn chuyển hướng "bẻ lái" rất khó. Gia tốc thất nghiệp gần đây có dấu hiệu tăng dần. Khả năng xảy ra suy thoái 6-12 tháng tới đang tăng dần lên. Đối với hoạt động quản trị rủi ro trong đầu tư, ông Phúc cho rằng nên quan tâm yếu tố này.
Trong khi đó, bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán HSC lại cho rằng, kịch bản suy thoái là khá thấp. Sự gia tăng tích lũy của Ấn Độ sẽ lấp đầy một phần sự suy yếu của Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư lan tỏa, như tại rổ chỉ số MSCI Emerging Markets Index đã có sự thay đổi tỷ trọng, tăng nhiều hơn ở cổ phiếu Ấn Độ,
Đánh giá về nền kinh tế Hoa Kỳ, bà Minh nhận định chỉ số PMI sản xuất tại Mỹ có dấu hiệu tạo đáy. Bên cạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa được Chính phủ đẩy mạnh cũng kéo chi tiêu công tăng. Đóng góp 82% số lượng việc làm mới đến từ khối Chính phủ và dịch vụ.
Cùng đó, lãi suất vay thế chấp nhà ở Mỹ tạo đỉnh, giảm từ gần 8% xuống 6,2% và khối lượng việc làm đến từ hoạt động xây dựng trong 2 tháng gần đây tăng khá mạnh, số lượng nhà tung ra thị trường tăng… thúc đẩy động lực mới trên thị trường bất động sản. Tại Mỹ, đầu tư khu vực phi dân cư tăng 5,2% cho thấy niềm tin tăng trưởng của kinh tế Mỹ rất cao. Thậm chí, theo bà Minh, có thể kỳ vọng hiện tại là tiền đề cho năm 2025 sẽ có bất ngờ liên quan đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.