Yêu thương không bằng lời nói
Rất lâu sau này tôi vẫn không quên được cái đêm hôm ấy. Cái đêm cha đến đón tôi, đứa con trai duy nhất của ông, khi nó say khướt không còn biết trời đất sau buổi chè chén bù khú với bạn bè. Lặng lẽ cha dìu tôi, đứa con trai tuổi mười bảy bắt đầu thích chứng tỏ, xuống chiếc vỏ lãi đậu dưới bến sông. Chiếc tắc ráng lúc la lúc lắc nên đôi tay cha càng ghì chặt như gọng kìm, chân quắm xuống chống chịu sức nặng của đứa con trai mới lớn để nó khỏi ngã.
Khi đã đặt tôi nằm gọn trên chiếu, cha ra lái giựt máy rồi hai cha con đi về giữa màn đêm thinh lặng. Tới nhà, cũng là cha dìu tôi lên, có lúc như nhấc bổng tôi trên tấm lưng gầy guộc. Mẹ giăng màn cho tôi ngủ, lau chỗ tôi nôn ra. Cả cha và mẹ đều im lặng, không ai nói với ai lời nào.
Sáng ra, khi đã hết hơi men, biết đã an toàn trong ngôi nhà mình, không cần ai nhắc chuyện tối qua tôi cũng tự nhớ ra mọi lẽ. Một nỗi xấu hổ và cảm giác tội lỗi dâng lên đến nghẹn cả họng khi tôi biết mình đã bất hiếu với đấng sinh thành.
Cứ tưởng cha sẽ giận dữ và đánh mắng đứa con trai hư hỏng, nhưng suốt ngày hôm ấy cha chẳng hề trách cứ nửa câu. Chỉ là nét mặt cha thoáng buồn khi nghe mẹ cằn nhằn thằng quý tử mới tí tuổi đầu đã học đòi rượu chè bê tha đến mức mất tự chủ và không thể tự mình về nhà được.
Đêm đó đã khuya mà cha vẫn đưa võng cót két trong màn đêm đốt thuốc. Còn tôi vẫn ngượng và thẹn đến mức không mở miệng nói được một tiếng xin lỗi cho hành động của mình. Tần ngần đến gần cha, tôi giả đò gợi chuyện nói về mùa màng, ruộng nương. Giọng cha điềm tĩnh và thâm trầm: “Coi như bài học, lần sau đừng uống quá chén như vậy nữa. Là thằng đàn ông phải biết điểm dừng”.
“Là thằng đàn ông phải biết điểm dừng”, câu nói đó “va” vào đầu tôi như một tiếng chuông…
Từ đó trở đi cha không bao giờ nhắc về lỗi lầm ấy nữa. Cha không mắng, càng không trừng phạt nhưng lạ là điều đó càng khiến tôi ghi nhớ sâu sắc lỗi lầm của mình. Sau này khi đã trưởng thành, biết chừng mực, biết có điểm dừng như lời cha dạy, có lần tôi nhắc lại chuyện ngày cũ và hỏi sao cha không đánh mắng, la rầy con? Vẫn giọng nói nghiêm nghị và thâm trầm, cha bảo: Không có sai lầm thì cũng không thể có bài học. Cha cũng từng là thanh niên như con mà!
Cha nói khi tôi biết xấu hổ thì nghĩa là đã bắt đầu sửa sai. Với cha, giáo dục không phải là sự trừng phạt. Và chính lòng bao dung của cha, sự sẵn sàng chấp nhận những phiên bản có thể xấu tệ của con, đặt mình vào vị trí của con ở lứa tuổi bồng bột khiến tôi cảm nhận tình yêu thương và sự thấu hiểu của cha dành cho mình là vô cùng.
Cả cuộc đời cha kiệm lời, với các con cha luôn điềm tĩnh mà sâu sắc. Bao giờ cha cũng đặt lòng tin nơi tôi rằng, con cha dù có những va vấp đầu đời, có lúc cũng tệ hại không hoàn hảo gì nhưng rồi sẽ trưởng thành mạnh mẽ để làm một người đàn ông biết gánh vác và có trách nhiệm. Cha luôn khuyến khích tôi và đưa ra những lời nhắc nhở thay vì trách móc và so sánh. Cách dạy dỗ đó đã vô cùng hữu hiệu giúp tôi nên người. Và phải yêu thương con mình nhiều như thế nào tấm lòng người cha mới trở nên to lớn đến thế, dù có thể tình yêu thương đó chưa bao giờ thể hiện bằng lời.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!