Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày 'khai hội' kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là 'Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại' (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc (SN 1959) - thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên: Dành nhiều tâm huyết cho các tác phẩm

 Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc.

Hơn 40 năm gắn bó với dân ca ví, giặm, tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình cho việc gìn giữ di sản văn hóa của cha ông. Từ năm 1984 đến nay, tôi tham gia biểu diễn tại rất nhiều sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh; viết lời, biên soạn hàng trăm tác phẩm dân ca ví, giặm được công chúng, khán giả ghi nhận. Trong đó, kỷ niệm mà tôi ghi nhớ và tự hào nhất là lần biểu diễn phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn công tác vào năm 1985 và tham gia biểu diễn, viết lời cho tiết mục dự lễ đón nhận bằng UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm vào năm 2014. Tham gia Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” lần này chắc chắn sẽ cho tôi có thêm nhiều kỷ niệm đẹp như thế.

Tôi phối hợp với các thành viên của Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh soạn lời, dàn dựng và biên tập các tiết mục để tham dự các chương trình nằm trong khuôn khổ festival như: chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm”; khai mạc hội thảo quốc gia “Đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”… Tôi dành nhiều tâm huyết cho việc sáng tác tác phẩm tham dự festival lần này, bởi đây là một sự kiện đặc biệt. Đặc biệt không chỉ ở quy mô mà còn ở ý nghĩa của chương trình, đó là thêm một lần nữa ghi nhận và khẳng định những giá trị trường tồn của di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Hồng (SN 1972) - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Đông Hiếu (TX Thái Hòa, Nghệ An): Để những câu ca mang “hơi thở” của thời đại.

 Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Hồng.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Hồng.

Không chỉ là một nghệ nhân ví, giặm, tôi còn là một người quản lý văn hóa. Với vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thị xã Thái Hòa, tôi luôn trăn trở làm sao để đưa những làn điệu ví, giặm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì vậy, trong các sáng tác của mình, tôi thường kết hợp những câu chuyện, hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hiện đại với lời ca truyền thống, tạo nên những ca khúc vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa mang “hơi thở” hiện đại. Đến nay, tôi đã sáng tác hơn 200 tác phẩm.

Năm nay, nhân dịp Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, tôi đã gửi 3 tổ khúc dân ca ví, giặm được viết theo chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước... tham gia cuộc thi sáng tác lời mới cho dân ca ví, giặm. Đây là cuộc thi được Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phát động từ tháng 9-11/2024, nhằm khuyến khích các tác giả trẻ và nghệ nhân sáng tạo những tác phẩm mới trên nền chất liệu dân ca truyền thống. Trong đó, tôi tâm đắc nhất với tổ khúc “Bác về thăm quê hương”. Đó là những lời ca nói về tình cảm của Bác Hồ dành cho Nhân dân Nghệ An và những nỗ lực của tỉnh nhà trong việc phát triển KT-XH hiện nay.

Tham gia Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” lần này, ngoài sáng tác, tôi còn biểu diễn tại chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” và một số hoạt động giao lưu, triển lãm khác. Tôi mong muốn những nỗ lực của bản thân trong việc sáng tác và biểu diễn sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc dân tộc, khơi dậy tình yêu ví, giặm trong lòng mỗi người.

Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Thị Oanh (SN 1987) - Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Lộc Hà: Hát ví, giặm như lẽ sống

 Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Thị Oanh.

Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Thị Oanh.

Khi còn là học sinh, tôi đã tích cực tham gia các chương trình văn nghệ của nhà trường và địa phương. Bước đệm này đã giúp tôi gắn bó với dân ca ví, giặm. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nguyễn Du Hà Tĩnh, tôi trở về công tác tại Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Lộc Hà. Tại đây, tôi vẫn luôn coi việc trau dồi, rèn luyện khả năng hát ví, giặm như một lẽ sống. Tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa, dân ca ví, giặm để có cơ hội được giao lưu với nhiều nghệ nhân khác.

Năm nay, tôi vinh dự được tham gia biểu diễn tại Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”. Cùng với các nghệ nhân khác, tôi tích cực luyện tập, trau dồi giọng hát, khả năng biểu diễn để có màn thể hiện tốt nhất trên sân khấu. Chúng tôi sẽ biểu diễn 4 tiết mục tại festival, trong đó có 2 tiết mục do nhóm nghệ nhân biểu diễn và 2 tiết mục song ca.

Tôi đang rất háo hức và chờ mong được biểu diễn, bởi khi được đứng trên sân khấu lớn, cất giọng hát để giới thiệu về di sản của quê hương, mới thấy tự hào biết bao. Tôi hy vọng rằng, những tiết mục của chúng tôi sẽ góp phần vào việc quảng bá rộng rãi hơn nữa giá trị của dân ca ví, giặm đến với công chúng trong và ngoài nước.

Chị Lê Thị Thu Hà (SN 1985) - giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà): Làn điệu dân ca phải giữ gìn

 Chị Lê Thị Thu Hà.

Chị Lê Thị Thu Hà.

Tôi là giáo viên âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tô Hiến Thành. Tham gia công tác giảng dạy và kiêm nhiệm công tác đội, tôi đã có thêm cơ hội được truyền dạy ví, giặm cho các em học sinh. Để học sinh dễ dàng tiếp cận và yêu thích dân ca ví, giặm, tôi đã soạn lời mới trên các làn điệu cũ để tạo sự gần gũi, dễ tiếp nhận cho các em.

Không chỉ giảng dạy ví, giặm tại trường học, tôi còn thường xuyên cộng tác, tham gia các chương trình nghệ thuật của huyện, tỉnh. Tới đây, tôi sẽ tham gia biểu diễn tại Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”. Đây là một trong những sân khấu lớn nhất mà tôi được tham gia. Các chương trình nghệ thuật, triển lãm… trong khuôn khổ của festival sẽ là cơ hội tuyệt vời để tôi được giao lưu với những nghệ nhân gạo cội, học hỏi thêm nhiều kỹ năng thanh nhạc và cách biểu diễn trên sân khấu. Bên cạnh đó, tôi cũng rất mong chờ được lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ nhân về cách bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm.

Vinh dự và tự hào, tôi sẽ cố gắng hết mình để thể hiện hết khả năng của bản thân, góp phần làm cho chương trình thêm phần ý nghĩa. Đồng thời, hy vọng rằng, những gì học được từ festival sẽ giúp tôi tự tin hơn trong việc truyền dạy dân ca ví, giặm cho các thế hệ học sinh sau này.

Anh Trần Minh Tài (SN 1995) - cán bộ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Nghệ An: Phát huy trách nhiệm của một diễn viên trẻ

 Anh Trần Minh Tài.

Anh Trần Minh Tài.

Ngay từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê và năng khiếu về hát dân ca ví, giặm. Cha tôi - Nghệ sỹ Nhân dân Minh Tuệ, người đã một đời cống hiến cho nghệ thuật truyền thống của quê hương luôn dìu dắt, bảo ban nên tôi càng có điều kiện và môi trường để đi theo con đường nghệ thuật.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi về công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với vai trò là cán bộ Phòng Nghiệp vụ văn hóa cơ sở. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn chính, tôi được lãnh đạo trung tâm tin tưởng phân công tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật của đoàn, trong đó, có nhiều tiết mục dân ca ví, giặm.

Năm nay, tôi may mắn được cùng đoàn nghệ thuật của tỉnh Nghệ An tham gia Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” tổ chức tại Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình liên tỉnh và là một chương trình mang ý nghĩa đặc biệt, kỷ niệm 10 năm di sản được vinh danh nên tôi rất vui và tự hào. Ngoài vai trò là một diễn viên, tôi còn đảm nhận viết lời bình, lời dẫn cho các tiết mục của đoàn tham dự festival lần này. Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, vận dụng những kiến thức, hiểu biết về dân ca ví, giặm để viết nên những lời bình súc tích, thể hiện được đặc trưng của dân ca xứ Nghệ, góp phần mang đến liên hoan các tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.

Chị Võ Thị Mai Anh (SN 1980) - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương, Nghệ An): Vẹn nguyên cảm xúc tự hào

 Chị Võ Thị Mai Anh.

Chị Võ Thị Mai Anh.

Sinh ra và lớn lên trên “miền đất hát”, tuổi thơ tôi được đắm mình trong từng lời ca, điệu ví của ông bà, cha mẹ và người dân trong làng. Tình yêu và niềm đam mê với dân ca ví, giặm cứ thế được bồi đắp trong tôi theo năm tháng. Lớn lên, tôi thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn ở trường học, địa phương.

Đặc biệt, cách đây 10 năm, tôi vinh dự và tự hào khi được tham gia biểu diễn trong lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Buổi lễ được Bộ VH-TT&DL phối hợp 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức trọng thể tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh). Tôi vẫn còn nhớ như in không khí của buổi lễ ấy và những cảm xúc vui mừng xen lẫn tự hào của người dân 2 tỉnh. Năm nay, dù không trực tiếp tham gia biểu diễn tại lễ kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được ghi danh tổ chức tại Hà Tĩnh, nhưng trong tôi vẫn dấy lên cảm xúc bồi hồi, tự hào của 10 năm về trước.

CLB Dân ca ví, giặm xã Đại Đồng có 36 thành viên do tôi làm chủ nhiệm, đã 2 lần giành giải nhì tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2018, 2023 cùng nhiều giải thưởng tại các liên hoan ở địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực tập luyện các tiết mục để tham gia các chương trình hướng tới sự kiện kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh. Với kinh nghiệm và tâm huyết trong gần 10 năm biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh, chúng tôi mong muốn lan tỏa tình yêu và những giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần phát huy, gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh (2014 - 2024), tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ VH-TT&DL, tỉnh Nghệ An tổ chức Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”. Thời gian tổ chức: từ ngày 27 - 30/11/2024. Địa điểm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh (số 21 đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh).

Nội dung các hoạt động gồm:

1. Ngày 27/11

1.1 Hội nghị Xúc tiến Du lịch Hà Tĩnh năm 2024

Thời gian: Bắt đầu từ 14h00’ ngày 27/11/2024.

Địa điểm: Tầng 5, khách sạn Melia Vinpearl Hà Tĩnh, số 1 đường Hàm Nghi, phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh).

1.2. Cầu truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm”

Thời gian: Bắt đầu từ 20h00’ ngày 27/11/2024.

Địa điểm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, số 21 đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh)

2. Ngày 28/11/2024

2.1 . Khai mạc trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp sản phẩm du lịch

Thời gian Khai mạc: Từ 8h00’ ngày 28/11/2024.

Địa điểm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, số 21 đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh).

2.2. Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

Thời gian: Từ 20h00’ ngày 28/11/2024.

Địa điểm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, số 21 đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh).

3. Ngày 29/11/2024

3.1 Hội nghị - Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”

Thời gian: 7h30’ ngày 29/11/2024.

Địa điểm: Tại khách sạn Eagle Hà Tĩnh, số 268 Trần Phú (TP Hà Tĩnh).

3.2. Tiếp tục Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh

Thời gian: Bắt đầu từ 20h00’ ngày 29/11/2024.

Địa điểm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, số 21 đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh).

4. Ngày 30/11/2024: Bế mạc Festival

Thời gian: Bắt đầu từ 20h00’ ngày 30/11/2024.

Địa điểm: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, số 21 đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh).

Kiều Minh - Anh Thùy (ghi)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/yeu-cau-vi-giam-que-minh-post278118.html
Zalo