Yêu cầu về tiêu chuẩn của cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2025-2030

Cấp ủy các cấp có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, vừa là vai trò hạt nhân chủ chốt, trung tâm đoàn kết, vừa là 'linh hồn' của cơ quan lãnh đạo Đảng ở mỗi cấp. Do đó, để xây dựng đội ngũ cấp ủy đáp ứng yêu cầu đề ra đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn cao.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, theo Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đã yêu cầu, các cấp ủy khi xây dựng nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ 2025-2030 cần bám sát các quy định của Trung ương.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước giám sát công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp ở Đảng bộ thành phố Biên Hòa. Ảnh: Phương Hằng

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước giám sát công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp ở Đảng bộ thành phố Biên Hòa. Ảnh: Phương Hằng

Trong đó, về tiêu chuẩn chung: tiêu chuẩn của cấp ủy viên các cấp cơ bản thực hiện theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017 của Bộ Chính về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Theo đó, cấp ủy viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Có phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng; thực hiện nghiêm quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; kê khai tài sản, thu nhập trung thực, minh bạch; không cơ hội, tham vọng quyền lực, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm"... Không để vợ hoặc chồng, con, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Có năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tư duy đổi mới, tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả; nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có thành tích, "sản phẩm" cụ thể trong địa bàn, lĩnh vực công tác được giao.

Có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và theo quy định của Đảng, Nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp.

Cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức vụ (cao hơn) lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 1 năm (12 tháng); trường hợp đặc biệt, chưa bảo đảm thời gian giữ chức vụ thì giao cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng.

Về tiêu chuẩn cụ thể, đối với tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp ủy, cơ quan nhà nước cấp tỉnh diện Trung ương quản lý, thực hiện theo Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu; cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp cơ sở, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương căn cứ tiêu chuẩn chung và các quy định có liên quan, có trách nhiệm quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn.

Các cấp ủy có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ "sót" những người thật sự có đức, có tài; không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, "lợi ích nhóm"; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm và quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn, vụ việc tiêu cực gây ảnh hưởng xấu ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/yeu-cau-ve-tieu-chuan-cua-cap-uy-vien-cac-cap-nhiem-ky-2025-2030-f022474/
Zalo