Yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng sinh học đáp ứng nhu cầu thị trường
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-BCT ngày 26-12-2024 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.
Tại Chỉ thị này, Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường, theo dõi, đôn đốc các địa phương, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh kinh doanh xăng nhiên liệu sinh học (E5 RON92, E100) cung cấp cho thị trường;
Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo Bộ Công Thương định kỳ 3 tháng/lần về việc triển khai kinh doanh xăng E5 RON 92 để nắm bắt những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các văn bản, nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá để đảm bảo mức hấp dẫn sử dụng nhiên liệu sinh học E5 RON92; Phối hợp chặt chẽ với Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg.
Chỉ thị của Bộ Công Thương cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan thuộc Bộ như: Vụ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục QLTT, Thanh tra Bộ, Vụ Dầu khí và than… có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học tại Việt Nam.
Ngoài xăng E5RON92, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu E100, hướng tới việc đưa vào sử dụng xăng sinh học mới.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng sinh học E5 RON 92 đáp ứng nhu cầu thị trường theo lộ trình được quy định tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg. Báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước và Vụ Khoa học và Công nghệ) trước ngày 28 hàng Quý để tổng hợp báo cáo;
Chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Hỗ trợ và khuyến khích các thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ trong hệ thống kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ nhiên liệu sinh học thông qua các chương trình ưu đãi, chính sách giá phù hợp nhằm tăng sức cạnh tranh so với xăng khoáng truyền thống.
Chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ...) để làm cơ sở cập nhật chính xác, tính đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, xăng sinh học, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tham gia đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhiên liệu sinh học, bao gồm ưu đãi về thuế, phí hoặc các hình thức hỗ trợ khác để giảm giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của nhiên liệu sinh học nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nhiên liệu sinh học, đặc biệt tại các địa phương, khu vực có tiềm năng tiêu thụ lớn.
Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng xăng E5 RON 92, khẳng định về chất lượng, kỹ thuật để người tiêu dùng yên tâm sử dụng nhằm khuyến khích cộng đồng gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học.
Từ ngày 1-1-2018, xăng sinh học E5RON92 được sản xuất và kinh doanh trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc sử dụng nhiên liệu này chưa đạt được như mong muốn.
Trên thực tế, rất nhiều cửa hàng xăng dầu đã không còn bán xăng sinh học E5RON92 hoặc chỉ còn 1 trụ bán, vì nhu cầu tiêu thụ của người dân không cao. Mức chênh lệch giá giữa xăng E5RON92 và xăng khoáng RON95 dao động quanh mức 1.000 đồng/lít, cũng chưa đủ để hấp dẫn người tiêu dùng.