Yên Trạch nâng cao các tiêu chí nông thôn mới
Năm 2023, Yên Trạch là xã cuối cùng của huyện Phú Lương 'về đích' nông thôn mới (NTM). Từ đó đến nay, địa phương luôn nỗ lực nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt nhằm hoàn thiện hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.
Xã Yên Trạch hiện có 12 xóm, trên 1.700 hộ dân, với 7.243 nhân khẩu, trong đó, số người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, Dao) chiếm 92% dân số.
Ông Hoàng Văn Dâng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch: Mặc dù nhận thức của người dân còn hạn chế, song chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để bà con hiểu ý nghĩa của việc xây dựng NTM, từ đó chung sức xây dựng, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt.
Một trong những tiêu chí nổi bật xã Yên Trạch đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua đó là hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa. Theo đó, từ năm 2023 đến nay, địa phương đã huy động các nguồn lực xây mới 5 nhà, sửa chữa 6 nhà văn hóa xóm, đảm bảo về diện tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Đảng, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Đồng Quốc: Xóm Đồng Quốc có 165 hộ dân, với 623 nhân khẩu. Trước đây, nhà văn hóa xóm chỉ rộng vài chục m2, không đáp ứng các buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân. Năm 2024, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã vận động bà con đóng góp kinh phí gần 500 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa mới, diện tích sử dụng 155m2, có sân chơi thể thao và một số thiết bị tăng âm, loa đài. Bà con ai ai cũng phấn khởi khi xóm có nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Song song với cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí giao thông cũng được UBND xã Yên Trạch tập trung thực hiện trong thời gian qua. Xã hiện có gần 15km đường giao thông trục chính đều đã được đổ bê tông. Các tuyến trục xóm, liên xóm có chiều dài 18,6km được đổ bê tông trên 86%. Trong năm 2024, xã Yên Trạch được huyện Phú Lương quan tâm, đầu tư thêm 3 tuyến đường: Na Mẩy - Khuôn Cướm; Bản Héo - Na Mẩy; La Hiên - Bài Kịnh, có tổng chiều dài gần 2.000m.
Để các tuyến đường sớm được triển khai thực hiện, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân hiến gần 2.000m2 để mở rộng rộng các tuyến trên nền đường sẵn có. Ngoài ra, xã cũng đăng ký với UBND huyện, xây dựng một tuyến đường có chiều rộng 6m, ở xóm La Hiên để tạo diện mạo mới cho nông thôn, giúp người dân đi lại thuận tiện, dễ dàng.
Đối với tiêu chí trường học, xã Yên Trạch có 3 trường là mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó, Trường mầm non Yên Trạch đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, Trường Tiểu học Yên Trạch đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, Trường THCS đã đạt chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu.
Thầy giáo Vũ Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Trạch: Nhà trường có gần 400 học sinh, trong đó số học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm đến 97%. Năm qua, chúng tôi đã tập trung bổ sung thêm các trang thiết bị dạy học còn thiếu ở các phòng học bộ môn như: Khoa học tự nhiên, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đến nay, điều kiện cơ sở vật chất của Nhà trường đảm bảo, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Với những nỗ lực, cố gắng của chính quyền và nhân dân, đến thời điểm này, xã miền núi Yên Trạch đã đổi thay rõ rệt. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 6,31% (giảm 8,7% so với năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,2 triệu đồng (tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2023)…
Ông Hoàng Văn Dâng cho biết thêm: Thời gian tới, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, xã tiếp tục tuyên truyền người dân duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt… Trong đó, tập trung rà soát các tuyến đường xuống cấp để nâng cấp, sửa chữa; xây dựng một xóm NTM kiểu mẫu; vận động bà con thay đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…