Yên tâm công tác sau sắp xếp đơn vị hành chính

Từ ngày 1/1/2025, 56 phường xã mới sáp nhập của thành phố Hà Nội đi vào hoạt động. Những ngày qua, các quận huyện đã tổ chức công bố thành lập các phường xã mới, bao gồm sắp xếp bộ máy, trụ sở làm việc, quy chế hoạt động để các đơn vị mới có thể vận hành trơn tru hiệu quả ngay.

Hôm nay (31/12) là ngày làm việc cuối cùng trong vị trí cán bộ tư pháp, hộ tịch tại bộ phận một cửa của phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, chị Đặng Thị Vân Khánh tận tình hướng dẫn cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Chỉ còn vài tiếng nữa, chị Khánh sẽ trở thành công chức của phường Vạn Phúc. Việc bố trí này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trên nhu cầu cũng như chuyên môn của chị Khánh.

Chị Đặng Thị Vân Khánh cho biết: “Sau khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND quận cũng như phường sắp xếp vị trí việc làm, tôi thấy rất hợp lý”.

Khác với chị Khánh, chị Giang là người được bố trí ở lại. Thông thường, bộ phận văn phòng - bộ phận một cửa sẽ phải tiếp nhận khoảng 600 hồ sơ thủ tục hành chính của công dân, trong khi số lượng công chức bị giảm đi nhưng khối lượng công việc lại tăng gấp 3. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của mỗi cán bộ, công chức.

Chị Nguyễn Thị Thu Giang - Văn phòng UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ cố gắng, tích cực tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo ủy ban phường để có những sáng kiến nhằm đảm bảo hoạt động của phường luôn liên tục, thông suốt”.

Trong đợt sắp xếp này, quận Hà Đông có 1 đơn vị hành chính mới là phường Quang Trung (trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng phường Yết Kiêu và Nguyễn Trãi) với số dân khoảng 42.000 nhân khẩu; từ 3 bí thư giảm xuống 1; từ 3 chủ tịch giảm xuống 1; số lượng công chức chuyên môn từ 29 giảm xuống còn 14.

Bà Nguyễn Thúy Hằng là vị chủ tịch đã gắn bó với phường Nguyễn Trãi 26 năm, khi sáp nhập sẽ đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch - Phó Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung.

Bà Nguyễn Thúy Hằng cho hay: “Chúng tôi được sắp xếp sang một vị trí công tác mới, cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp để chúng tôi tiếp tục cống hiến, phát huy những kết quả đã đạt được”.

Thực hiện Nghị quyết số 1286 ngày 14/11/2024 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội có 169/579 đơn vị (gồm 79 xã, 83 phường và 7 thị trấn) thuộc diện bắt buộc sắp xếp với hơn 2.600 người, bao gồm công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy định, nguyên tắc sắp xếp, Ban Tổ chức Thành ủy đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người lao động và đảm bảo sự công khai, dân chủ. Với những cán bộ cùng vị trí, cùng mảng chuyên môn, sẽ phát sinh những tâm tư. Tuy nhiên theo quan điểm của thành phố, để có thể đảm nhận được công việc của mình, thước đo sẽ là năng lực cá nhân và trách nhiệm phục vụ nhân dân trong bộ máy công vụ.

Trong số hơn 2.600 nhân sự thuộc diện sắp xếp, Hà Nội đã bố trí được khoảng 1.800 người, dôi dư trên 800 người. Kế hoạch đặt ra, đến năm 2029 giải quyết dứt điểm số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Để có thể tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, Hà Nội sẽ đưa ra chế độ, chính sách phù hợp. Để đảm bảo được khối lượng công việc của cán bộ sau sáp nhập, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo Đề án 06 để giảm tải công việc cho chính quyền và nâng cao chất lượng của nền hành chính công vụ.

Minh Hoàn

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/yen-tam-cong-tac-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-292696.htm
Zalo