Không để lãng phí tài sản công sau sáp nhập
Đến thời điểm này, các địa phương của Hà Nội đã thực hiện xong việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Vấn đề xử lý, sắp xếp tài sản công, trụ sở sau sáp nhập để tránh lãng phí cũng là mối quan tâm và mong mỏi của các địa phương và nhân dân ở nơi thực hiện sáp nhập.
Trước khi có chủ trương sáp nhập, công sở xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà làm việc và hội trường rộng hàng nghìn m² rất khang trang. Sau khi sáp nhập hai xã Trầm Lộng và Hòa Lâm, lấy trụ sở Hòa Lâm là nơi làm việc thì trụ sở này chính thức đóng cửa.
Trầm Lộng là an toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ gắn với địa danh chùa Chòng, là trung tâm hoạt động của An toàn khu, nơi làm việc của các đồng chí Hoàng Quốc Việt; Đỗ Mười,... chính vì vậy, người dân Trầm Lộng rất muốn được sử dụng công sở này làm điểm sinh hoạt văn hóa, đón tiếp du khách khi về thăm quan An toàn khu.
Sau khi sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã, phường, hình thành 56 đơn vị hành chính mới, Hà Nội đã giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã, phường; tương đương với đó là 53 trụ sở làm việc của xã, phường và hàng trăm trường học, trạm y tế và các tài sản khác dôi dư. Bởi vậy, việc tính toán sử dụng hiệu quả tài sản công, trụ sở công và việc chống thất thoát tài sản rất cần được chú trọng.
Sau khi sáp nhập, các địa phương tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số, thuận lợi cho việc hoạch định các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư... Tuy nhiên, công tác sắp xếp cán bộ dư thừa và xử lý tài sản cần sớm được giải quyết nhằm bảo đảm lộ trình sắp xếp đúng quy định, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo, bởi đây chính là mấu chốt tạo sự ổn định của đơn vị sau sáp nhập.