YÊN BÁI THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT NÁT Hiện thực hóa 'giấc mơ' cho người nghèo
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Yên Bái xác định đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Với tinh thần thần tốc 'chỉ bàn làm, không bàn lùi', 'không ai bị bỏ lại phía sau', Yên Bái đang tăng tốc 'về đích' xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo trước ngày 30/6 này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
"An cư lạc nghiệp" - một khát khao bình dị mà thiêng liêng của mỗi con người. Một mái nhà vững chãi che nắng, che mưa không chỉ là nơi trú ẩn, mà còn là biểu tượng của sự ổn định, của niềm tin và hy vọng. Tại Yên Bái, câu chuyện về việc xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công với cách mạng đã được viết nên bằng sự quyết tâm và tình người.
Hoàn thành 1.998 căn nhà
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã, đang trở thành một phong trào toàn diện, là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Yên Bái đặt ra hàng năm trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt, năm 2025 xác định đây là công việc có ý nghĩa rất lớn, rất nhân văn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh chia sẻ: Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Yên Bái đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhất là sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, đề án, kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, Yên Bái cũng đã ban hành các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với từng địa bàn, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc; quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, phương thức hỗ trợ để thống nhất trong triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho các địa phương, người dân trong thực hiện chính sách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Cùng với đó phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành phụ trách, hỗ trợ trực tiếp các xã đặc biệt khó khăn.
Qua rà soát, năm 2025 toàn tỉnh còn 2.208 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó nhà thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.936 nhà; nhà thuộc đối tượng người có công với cách mạng là 272 nhà.
Từ kinh nghiệm đã triển khai từ nhiều năm, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh, sức mạnh của cộng đồng, tập thể là yếu tố quan trọng nhất góp phần cho sự thành công. Bởi vậy, bên cạnh kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đã huy động thêm các nguồn lực "mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần", "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít" để hỗ trợ các gia đình làm nhà. Đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà, địa phương đã huy động các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư trực tiếp làm nhà cho người dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công hơn 2.200 ngôi nhà, đạt 99,6% kế hoạch, trong đó đã hoàn thành hơn 2.100 ngôi nhà, nhiều địa phương đã hoàn thành 100% mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo sớm hơn kế hoạch đề ra.
Phát huy sức mạnh cộng đồng
Đến thăm gia đình anh Thào A Chú (ở thôn Háng Tây, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu) trong căn nhà khang trang rộng gần 100m2 mới thấy được ý nghĩa nhân văn từ Chương trình xóa nhà tạm. Là hộ nghèo có 5 nhân khẩu, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào làm nông và đi làm thuê. Do vậy, anh Chú luôn chịu khó tích cóp và mong muốn có ngôi nhà khang trang. Những mong mỏi đó của gia đình anh đã thành hiện thực khi được hỗ trợ 60 triệu đồng từ đề án xóa nhà dột nát của tỉnh. Gia đình anh mạnh dạn vay mượn, cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng cùng với số tiền tích lũy để làm nhà. “Có nhà mới gia đình tôi không phải lo lắng mỗi khi trời mưa gió nên sẽ tập trung làm ăn để thoát nghèo, nuôi con cái đi học để cho đỡ khổ” - anh Chú chia sẻ.
Giống như bao hộ nghèo khác, mong ước bấy lâu của gia đình bà Hà Thị Mai (thôn Khe Ngang, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên) nay đã thành hiện thực. Sau gần 1 tháng khởi công, được sự giúp đỡ ngày công lao động của cán bộ xã và bà con trong xóm ngôi nhà kiên cố đã được hoàn thiện. Trong căn nhà kiên cố, với diện tích 80m2, bà Hà Thị Mai vui mừng tâm sự: Nhiều năm qua, gia đình tôi ở trong ngôi nhà xuống cấp. Mỗi khi trời mưa, cả gia đình lại nơm nớp lo sợ. Bây giờ ở nhà mới, mưa gió thấy yên tâm. Đây là động lực rất lớn để gia đình tôi ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế để thoát nghèo.
"Được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà. Nếu mà không được hỗ trợ thì không biết bao giờ mới có nhà để ở vì nó đã cũ và dột nát. Tôi chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước, xã đã giúp đỡ, tôi cũng sẽ cố gắng làm việc vì con, vì cháu để cho chúng bớt khổ" - ông Hảng A Chay, Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái xúc động chia sẻ.
Có thể thấy, mỗi mảnh đời, mỗi số phận, hoàn cảnh khác nhau, nhưng giờ đây tất cả họ đều được quây quần, sum họp bên nhau trong những ngôi nhà mới khang trang. Đằng sau niềm hạnh phúc ấy còn chứa đựng tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho ước mơ, niềm tin vào cuộc sống mới.
Hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều thách thức, song những thành tựu đạt được bước đầu là minh chứng cho ý chí, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và lòng nhân ái của cộng đồng. Để quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa 2.208 nhà tạm, nhà dột nát vào cuối tháng 6 này, Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ các hộ dân khởi công làm nhà bảo đảm tiến độ; chỉ đạo cấp phát kịp thời kinh phí cho các địa phương theo tiến độ khởi công làm nhà; thành lập các đoàn của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tại các địa phương.
Nhấn mạnh về quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: Trước hết, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp để thống nhất chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia. Yên Bái đã sử dụng hết sức linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực, trong đó, quan tâm lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở vùng khó khăn. Đặc biệt, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và của chính người dân được hỗ trợ nhà có vai trò rất quan trọng. Nhất là, đối với tỉnh miền núi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, còn nhiều nhà tạm, nhà dột nát, việc huy động tất cả mọi nguồn lực để "về đích" đang là yếu tố “then chốt” để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025, vượt hơn 5 tháng so với Quyết định của Chính phủ về kế hoạch triển khai phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 căn nhà, hoàn thành 100% mục tiêu Đề án đặt ra với tổng kinh phí trên 148,8 tỷ đồng; nguồn huy động hợp pháp khác là trên 67 tỷ đồng, chiếm trên 45% cơ cấu nguồn vốn. Năm 2025, qua rà soát, đã xác định toàn tỉnh còn 2.208 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó nhà thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.936 nhà; nhà thuộc đối tượng người có công với cách mạng là: 272 nhà. Mức hỗ trợ dự kiến là 60 triệu đồng/nhà xây mới và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa; tổng kinh phí thực hiện khoảng 120,69 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, phấn đấu hoàn thành trước 30/6.