Yên Bái khôi phục chăn nuôi sau bão

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh đã có trên 327.000 con gia cầm và gần 8.770 con gia súc bị chết. Tập trung phòng chống dịch bệnh và khôi phục chăn nuôi sau bão là vi�

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, chuẩn bị tái đàn, khôi phục sản xuất

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, chuẩn bị tái đàn, khôi phục sản xuất

Vừa mới đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, thức ăn gia cầm và mua 1 vạn con gà giống về nuôi hồi tháng 5 vừa qua thì sau bão số 3, gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên chỉ còn sót lại khoảng... 1.000 con gà. Thiệt hại lớn nhưng với quyết tâm khôi phục sản xuất, gia đình chị Hoàn đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, máng ăn cho gà và phun tiêu độc khử trùng.

Gia đình chị cũng tính toán kinh phí để có thể tái đàn sớm. Chị Hoàn cho biết: "Gia đình tôi đã không may chịu thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tôi mong Nhà nước sớm có các chính sách hỗ trợ để gia đình nhanh chóng tái đàn, khôi phục sản xuất nhằm bù đắp lại một phần thiệt hại”.

Tại huyện Trấn Yên, việc ngập lũ lâu ngày do bão đã gây thiệt hại trên 220.000 con gia súc, gia cầm. Để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh bùng phát dịch bệnh, các địa phương đã tích cực thực hiện việc chôn lấp, vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Đồng thời, đánh giá thiệt hại để kịp thời hỗ trợ người dân tái đàn.

Ông Lê Văn Luyện - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: Sau lũ, chúng tôi khuyến cáo người dân đặc biệt quan tâm tới việc thu gom, tiêu hủy, chôn lấp xác động vật trôi nổi theo nguồn nước để đảm bảo vệ sinh. Thứ hai là đối với diện tích chuồng trại chăn nuôi thì phải vệ sinh tiêu độc khử trùng, dọn dẹp khu vực chăn nuôi, chăn thả gia súc để triệt tiêu mầm bệnh.

Gia đình anh Nguyễn Trường Xuân ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cũng bị mất trắng gần 5.000 con gà do ảnh hưởng của bão số 3. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi gà rộng 500 m2 trống trơn vừa được 2 vợ chồng cào bùn, xịt rửa để giảm ô nhiễm môi trường, anh Xuân xót xa; "10 ngày trước, cả chuồng gà chật kín với 5.000 con, trọng lượng trung bình 1,7 kg/con. Mặc dù đã tính toán mực nước sẽ dâng cao như mức lũ kỷ lục năm 2008, trại gà được lắp đặt sàn trên cao, nếu nước lên gà sẽ đậu trên sàn. Song lũ về quá nhanh, nước sông Hồng chảy cuồn cuộn, dâng cao trên báo động 3 gần 4 mét, không kịp trở tay nên đàn gà chết chìm trong dòng nước đục".

Trại gà của anh Xuân nuôi toàn bộ giống gà Mông xương đen, thịt đen, đến nay được 3 tháng, khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất bán, với giá ký kết hợp đồng 86.000 đồng/kg, dự kiến sẽ thu được gần 800 triệu đồng. Sau cơn lũ, giờ chỉ còn lại những xác gà chết với món nợ gần 600 triệu đồng.

"Đến giờ cũng không biết bắt đầu lại từ đâu, bởi số nợ còn chồng chất, tiền làm chuồng trại chưa trả hết, rồi tiền giống, cám, vắcxin… đều đợi bán gà mới trả các đại lý. Mong muốn tỉnh và Trung ương sẽ có chính sách hỗ trợ vốn để người chăn nuôi bị thiệt hại do ngập lụt có thể phục hồi sản xuất”, anh Xuân nói.

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa lớn kéo dài, mưa lũ diễn ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, người chăn nuôi rơi vào cảnh điêu đứng.

Theo số liệu báo cáo, bão số 3 đã làm ngành chăn nuôi của tỉnh thiệt hại gần 8.770 con gia súc và trên 327.000 con gia cầm các loại. Sau mưa lũ là thời điểm dễ phát sinh các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên việc vệ sinh môi trường, bảo vệ đàn vật nuôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện.

Để khôi phục chăn nuôi sau bão, Chi cục đã ban hành công văn yêu cầu chủ động phòng chống dịch bệnh, khôi phục, bảo vệ đàn vật nuôi sau mưa lũ. Đơn vị phối hợp với các địa phương thành lập đoàn đến các xã, phường, thị trấn để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau mưa lũ; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho người chăn nuôi các biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi; xây dựng phương án hỗ trợ con giống, hóa chất xử lý môi trường, tiêu hủy động vật chết, thuốc và vắc xin phòng trị bệnh; tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý khi có gia súc, gia cầm mắc bệnh và hướng dẫn người dân các biện pháp tái đàn an toàn.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch và tiêm phòng đầy đủ vắcxin theo quy định; không tái đàn khi chưa đảm bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đang nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù để trình UBND tỉnh xem xét nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/22/329254/yen-bai-khoi-phuc-chan-nuoi-sau-bao.aspx
Zalo