Hà Nội tập trung phòng, chống dịch bệnh động vật
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm tăng cao, trong khi đó, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với phương châm phòng là chính.
Bà Nguyễn Thị Liên ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết, gia đình đang nuôi 10 con bò. Trong chăn nuôi, quan trọng nhất là khâu phòng bệnh, được sự hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, gia đình luôn quan tâm tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi 2 lần/năm. Ngoài ra, trước và trong mùa đông, gia đình bà tiêm bổ sung các loại vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Với số lượng bò nuôi nhiều, vào mùa đông, gia đình thu gom rơm, rạ dự trữ cho ngày rét đậm, rét hại không chăn thả được.
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết, để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, hợp tác xã thường xuyên thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dịch; cẩn trọng tái đàn, kiểm soát chặt chẽ từ lựa chọn con giống, thức ăn chăn nuôi rõ nguồn gốc; thường xuyên theo dõi đàn lợn để có hướng xử lý kịp thời khi bệnh dịch xảy ra, đặc biệt là phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định; các bệnh thông thường xảy ra lẻ tẻ, tỷ lệ ốm, chết thấp. Cụ thể: Đàn trâu, bò chủ yếu mắc bệnh tụ huyết trùng, ngoại khoa, sản khoa, tiêu chảy, viêm phổi… tỷ lệ ốm/tổng đàn là 0,53%; đàn gia cầm chủ yếu mắc các bệnh Newcastle, tụ huyết trùng, dịch tả vịt, Gumboro, tỷ lệ ốm/tổng đàn là 0,12%...
Ngoài ra, Chi cục hướng dẫn, đôn đốc thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ, thông tin báo cáo, điều tra, xác minh kịp thời khi có ổ dịch xảy ra. Chi cục cũng lấy 100 mẫu swab để kiểm tra giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm; phối hợp với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã lấy 21 mẫu swab gộp (hầu họng, phân) để xét nghiệm vi rút cúm gia cầm…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, từ nay đến cuối năm, các địa phương chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với phương châm phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật diện hẹp đối với bệnh mới xâm nhập, biến chủng của vi rút gây bệnh; bảo đảm sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững; bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, các địa phương quản lý giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát, bảo đảm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từng bước giảm giết mổ nhỏ lẻ, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; nâng cao chất lượng con giống, duy trì, bảo tồn, phát triển giống bản địa hiệu quả cao trên địa bàn Hà Nội; phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; phát động toàn dân vệ sinh đường làng, ngõ thôn, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh nhà, chuồng nuôi, quét dọn, thu gom phân thải về hầm biogas, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học.
Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, chủ cơ sở chăn nuôi báo cáo ngay cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, tiến hành xử lý theo chỉ đạo của ngành chuyên môn. Các xã, thị trấn tăng cường giám sát việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm của người dân địa phương; triển khai đợt tiêu độc, khử trùng, kết hợp giám sát, kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn…