Yên Bái: Góp phần nâng cao giá trị dược liệu của nấm Đông trùng hạ thảo

Đề tài 'Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của quả thể nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm ở các môi trường khác nhau tại tỉnh Yên Bái' do hai em Đỗ Duy Phong và Hoàng Trần Gia Hân – học sinh lớp 11A1, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Yên Bái thực hiện đã đánh giá tác động của việc bổ sung dinh dưỡng trong quá trình phát triển của nấm Đông trùng hạ thảo nhằm nâng cao giá trị dược liệu, giá trị kinh tế cho người sản xuất.

Cô giáo Vũ Thị Thành trao đổi cùng 2 em học sinh về quá trình thực hiện đề tài tại Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái

Cô giáo Vũ Thị Thành trao đổi cùng 2 em học sinh về quá trình thực hiện đề tài tại Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái

Thạc sĩ Vũ Thị Thành – giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Yên Bái, người trực tiếp hướng dẫn 2 học sinh thực hiện đề tài cho biết: Việc nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm đang được nghiên cứu và thực hiện tại Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái và một số cơ sở tư nhân trên địa bàn tỉnh do có giá trị dược liệu và giá trị kinh tế cao.

Việc nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi trồng nấm trên môi trường nhân tạo đã giúp tăng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng; góp phần giảm giá thành sản phẩm so với việc sản xuất loại nấm này trong môi trường tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Yên Bái là địa phương có nghề trồng dâu, nuôi tằm khá phát triển, tập trung ở các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn... Để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2019 - 2025, đưa nghề này trở thành một trong những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Đây sẽ là nguồn cung cấp nhộng tằm tiềm năng cho sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo ở Yên Bái.

"Để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm, đặc biệt khai thác tối đa giá trị dược liệu quý; nâng cao năng suất, chất lượng; giảm giá thành sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người dân, Trung tâm đã đề xuất và được lãnh đạo nhà trường đồng ý cho thực hiện Dự án "Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của quả thể nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm ở các môi trường nuôi cấy khác nhau tại tỉnh Yên Bái". Đề tài thực hiện nhằm lựa chọn được môi trường nuôi cấy nấm đạt năng suất cao, chất lượng tốt nhất”, cô Thành cho biết.

Cô giáo Vũ Thị Thành hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài

Cô giáo Vũ Thị Thành hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài

Để thực hiện đề tài, dưới sự hỗ trợ của thạc sĩ Lê Hải Hà – cán bộ Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái, cô Thành cùng các em học sinh tham gia thực hiện đã bố trí thí nghiệm gồm 5 công thức, mỗi công thức 90 hộp, được thực hiện trong môi trường đồng nhất với nhiệt độ là 18oC, độ ẩm 80 - 90%, lượng giống cấy cho từng hộp là 10 ml.

Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, Dự án từng bước đánh giá ảnh hưởng của môi trường nuôi cấy trên giá thể nhộng tằm đến số lượng và trọng lượng quả thể nấm Đông trùng hạ thảo; đánh giá ảnh hưởng của môi trường nuôi cấy trên giá thể nhộng tằm đến các hình thái sợi và mật độ sợi bề mặt nấm; ảnh hưởng của môi trường nuôi cấy, các kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh trên nấm để có những khuyến cáo phù hợp dành cho nhà sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho sản phẩm.

Thạc sĩ Lê Hải Hà chia sẻ: Giá thể để nuôi trồng Đông trùng hạ thảo là hỗn hợp của các loại dung dịch chiết xuất và cả các nguyên liệu tự nhiên gồm: nhộng tằm, gạo lứt, nước dừa nguyên chất cùng với một số loại khoáng chất cần thiết khác. Giá thể nuôi Đông trùng hạ thảo sau khi được xử lý xong sẽ được cho vào lọ để tiến hành hấp tiệt trùng trong khoảng từ 2 – 2,5 tiếng đồng hồ. Sau khi hoàn tất công đoạn diệt trùng và để nguội, giá thể sẽ được đưa đến phòng lạnh để tiến hành công đoạn cấy giống. Qua công đoạn cấy giống, giai đoạn nuôi sáng trong khoảng thời gian 3 tháng thì có thể thu hoạch được sản phẩm”.

Em Hoàng Trần Gia Hân chia sẻ: "Việc tham gia dự án giúp em nâng cao kiến thức và có thêm kỹ năng thực hiện các bước của đề tài và còn giúp em nâng cao khả năng làm việc theo nhóm, kỹ năng xử lý số liệu. Đây là một điều rất thú vị khi em được tham gia trải nghiệm, hỗ trợ cùng các kỹ sư nghiên cứu về quá trình phát triển của nấm như quá trình làm giá thể, công đoạn cấy phôi, công đoạn kích sáng và nhìn thấy giá thể mọc nấm mỗi ngày. Em mong muốn đề tài được thực hiện thành công để giúp nâng cao hơn nữa giá trị của nấm Đông trùng hạ thảo”.

Cô giáo Vũ Thị Thành thông tin: "Đây là lần đầu tiên các em học sinh tham gia thực hiện đề tài nên bản thân giáo viên phụ trách phải thường xuyên động viên, nỗ lực cùng các em thực hiện. Qua thực hiện Đề tài sẽ giúp các em học sinh nắm rõ hơn quy trình kỹ thuật sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo, được làm việc trong môi trường thí nghiệm với đầy đủ các phương tiện, vật tư sản xuất. Đây cũng là dịp để các em học sinh rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu, khả năng xử lý số liệu, làm việc theo nhóm, đặt giả thuyết khoa học... của học viên khi tham gia đề tài khoa học kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học thực nghiệm về lĩnh vực sinh học của học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh".

Thành công của Đề tài sẽ góp phần giúp cán bộ Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái và các em học sinh nắm được quy trình kỹ thuật, lựa chọn được giá thể phù hợp cho quá trình sinh trưởng của nấm Đông trùng hạ thảo, nâng cao giá trị dược liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiến hành đo đạc các chỉ tiêu về sinh trưởng để nắm được các ảnh hưởng của yếu tố môi trường nuôi cấy tới các công thức trong thí nghiệm. Tiến hành nghiên cứu các chỉ tiêu năng suất kết hợp với kết quả đo đạc để đánh giá ảnh hưởng của yếu tố môi trường nuôi tới sự sinh trưởng và phát triển của quả thể nấm Đông trùng hạ thảo một cách tổng thể nhất. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm và các nhà khoa học để đề tài thành công với chi phí thấp nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”, cô Thành bày tỏ mong muốn.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/28/343758/yen-bai-gop-phan-nang-cao-gia-tri-duoc-lieu-cua-nam-dong-trung-ha-thao.aspx
Zalo