Yên Bái cứu vùng dâu tằm lớn nhất miền Bắc sau mưa lũ
Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là vùng dâu tằm lớn nhất miền Bắc. Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, hầu hết diện tích dâu tại các xã ven sông Hồng bị úng ngập, nguy cơ mất trắng. Người dân nơi đây đang tìm mọi cách để cứu cây dâu, giảm bớt những thiệt hại và phục hồi sản xuất.
Suốt một tuần qua, nông dân huyện Trấn Yên dầm mình dưới bùn nước, hợp sức cùng nhau thông cống, đào rãnh khơi dòng nước úng trong ruộng dâu ra sông Hồng.
Anh Nguyễn Đình Chiến, ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành cho biết, những vườn dâu chết dần vì ngâm nước và phù sa nhiều ngày, cách duy nhất là phải nhanh chóng tiêu úng, cứu được cây nào hay cây ấy để giữ nguồn thu nhập chính của gia đình.
"Cống này trước nó bằng mặt ruộng, sau khi nó ngập thì hai bên đều cao hơn 45cm, cống bị âm ở dưới. Chúng tôi phải dùng mọi biện pháp, bà con tập trung lại mới có thể chảy được. Cứu được những tràn đâu này thì mới có nguồn sống cho bà con, nếu không thông được mà dâu ngâm một, hai đêm nữa thì xóa sổ mất tràn dâu này" - anh Chiến cho biết.
Trấn Yên là vùng nguyên liệu dâu lớn nhất miền Bắc, với trên 1.000 ha. Đời sống của bà con nông dân tập trung chủ yếu vào nghề trồng dâu, nuôi tằm, cung cấp kén tằm cho nhà máy tơ tằm Yên Bái. Từ ngày 10/9 đến nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, toàn bộ diện tích dâu được trồng ở những bãi bồi ven sông Hồng của huyện Trấn Yên đều bị ngập chìm trong nước. Vì lũ úng ngập nhiều ngày, nhiều diện tích đã bị chết.
Ông Trần Việt Nam, thôn Trúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên chia sẻ: theo kinh nghiệm của bà con, cây dâu mặc dù trồng được trên dưới 10 năm, nếu bị úng ngập nhiều ngày thì cũng khó phục hồi, mà trồng mới lại thì cũng phải mất khoảng 2 năm mới cho thu hái.
"Nếu mà trồng lại thì mất một năm đầu, đến năm thứ hai gọi là được thu phần nào thôi chứ không được thu như bây giờ" - ông Nam chia sẻ.
Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 700 ha dâu bị úng ngập, tập trung ở các xã ven sông Hồng như: Việt Thành, Y Can, Đào Thịnh, Báo Đáp… Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, sự hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, nhiều biện pháp đã được địa phương triển khai gấp rút, theo đó, khoảng 70% diện tích dâu bị ngập có thể được phục hồi do tiêu thoát úng kịp thời.
Theo bà Liệu: "Chúng tôi hướng dẫn cho bà con nông dân ở vùng dâu đầu tiên là việc phải thoát nước để không bị úng; sau đó thì áp dụng các biện pháp kĩ thuật trong chăm sóc để khôi phục lại những diện tích dâu mà có khả năng khắc phục được".
Theo tính toán, 1ha dâu cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng cho mỗi lứa. Nếu không cứu được vùng dâu thì Trần Yên mất khoảng 200 tỉ đồng cho mỗi vụ dâu và cũng phải mất từ 1 - 2 năm mới có thể phục hồi sản xuất trở lại. Không những thế, nhiều hộ dân vừa thu hoạch kén nhưng mắc nước lũ không bán được, kén già hóa bướm phải bỏ đi. Nhiều lứa kén của hàng trăm hộ dân cũng đang vào giai đoạn tằm ăn rỗi cũng phải đổ bỏ do dâu ngập úng, cạn kiệt nguồn thức ăn, thiệt hại kép sau lũ chưa thể đong đếm được.
Ngay khi nước lũ sông Hồng bắt đầu rút, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo huyện Trấn Yên và ngành nông nghiệp chạy đua với thời tiết, hướng dẫn kỹ thuật để bà con cứu chữa, phục hồi và chăm sóc diện tích dâu có thể phục hồi. Đồng thời có phương án hỗ trợ cây giống, xử lý đất để trồng dặm, trồng mới trong thời gian tới.