COP29: thúc đẩy tài chính khí hậu vì một tương lai bền vững
Hội nghị COP29 khai mạc hôm nay (11/11) tại Azerbaijan, kêu gọi các quốc gia thiết lập mục tiêu tài chính mạnh mẽ để giải quyết khẩn cấp các vấn đề 'đang hủy hoại' Trái đất. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị Kiều Thoan Thu đưa tin từ Baku.
Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh thường niên về khí hậu của Liên Hợp quốc (COP29), ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã kêu gọi các quốc gia hành động ngay, nhấn mạnh rằng tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu, chứ không phải là hoạt động từ thiện.
Ông nhấn mạnh rằng một thỏa thuận tài chính khí hậu đầy tham vọng là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, vì chỉ một quốc gia — một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu — bị ảnh hưởng có thể làm tê liệt cả hệ thống. Ông cảnh báo rằng nhiều quốc gia không thể giảm phát thải hay tăng cường khả năng phục hồi nhanh chóng sẽ khiến "toàn bộ nền kinh tế toàn cầu bị khuất phục."
Giải pháp cụ thể là nhanh chóng thiết lập thị trường carbon quốc tế bởi đây là công cụ “rất quan trọng”, giúp đẩy nhanh quá trình giảm phát thải toàn cầu. Khi hình thành, thị trường này sẽ thu hút đầu tư vào năng lượng sạch và thúc đẩy trao đổi tín chỉ carbon.
Ngoài ra, ông kêu gọi các quốc gia phát huy tối đa khả năng phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời chú trọng khả năng thích ứng của nước mình để có những quyết sách phù hợp.
Theo ông, năm nay thế giới sẽ chứng kiến việc phá kỷ lục tăng trưởng năng lượng tái tạo, bổ sung hơn 500 GW vào công suất toàn cầu. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều công ty tham gia Hiến chương phi carbon hóa dầu khí, cam kết không phát thải khí mê-tan trong giai đoạn 2020-2030 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào hoặc trước năm 2050. Sáng kiến này rất thực tế, với sự tham gia của các "ông lớn" dầu khí từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, EU và Vịnh Ba Tư.
Theo thường lệ, từ nay đến cuối năm, các quốc gia sẽ nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần về tiến trình giảm phát thải của mỗi nước. Đây là cơ sở quan trọng để định hướng các nỗ lực phục hồi trong tương lai.
Với vai trò của mình, UNFCCC dự kiến phát động "Chiến dịch Kế hoạch Khí hậu" vào năm tới để hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Năm 2025 sẽ chứng kiến nỗ lực mạnh mẽ hơn từ các bên thông qua sáng kiến này và việc khôi phục Tuần lễ Khí hậu, nhằm tăng cường hành động ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Tại phiên thảo luận về Tài chính Khí hậu cùng ngày, bà Teresa Anderson, Trưởng nhóm Công bằng Khí hậu của ActionAid, đã nêu bật tầm quan trọng của tài chính khí hậu đối với các quốc gia ở Nam Bán cầu. Bà nhấn mạnh: "Nếu không có tài chính, thì thảo luận về hành động khí hậu mãi chỉ là thảo luận mà thôi."
Theo bà, hiện có sự bất công rõ rệt giữa các quốc gia trong hành động khí hậu, khi các nước giàu đã gây ô nhiễm trong suốt hơn một thế kỷ qua nhưng lại trốn tránh trách nhiệm của mình. Vào năm 2022, những quốc gia này chỉ cung cấp khoảng 28-35 tỷ USD dưới dạng tài trợ cho ứng phó với khí hậu toàn cầu, trong khi thế giới cần chi gấp nhiều lần số tiền đó để giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu. Thực tế, tài chính khí hậu khiến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy) rơi vào tình trạng nợ nần nghiêm trọng với những khoản chi khổng lồ cho phục hồi kinh tế.
Bà Anderson khẳng định COP29 chính là dịp để kiểm tra mức độ cam kết của các nước giàu trong việc bảo đảm một hành tinh đáng sống. "Dù phải trả giá thế nào, việc chi trả cho hành động khí hậu ngay bây giờ sẽ rẻ hơn nhiều so với hậu quả thảm khốc mà biến đổi khí hậu có thể gây ra sau này."
Với quan điểm tương tự, bà Tasneen Essop, Giám đốc Điều hành Mạng lưới Hành động Khí hậu (Climate Action Network), cho rằng minh bạch tài chính sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia nghèo nâng cao an sinh xã hội, thay vì phải chi quá nhiều vào việc giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra.
Bà Mohamed, đại diện Tổ chức Somaliland, cho rằng biến đổi khí hậu không chỉ là cuộc khủng hoảng môi trường mà đã trở thành một thảm họa nhân đạo ở Nam Bán cầu. Lấy ví dụ từ Somalia, đất nước của bà, bà cho biết biến đổi khí hậu gây ra hạn hán và lũ quét thường xuyên, đe dọa tính mạng và sinh kế của hàng nghìn gia đình, đồng thời làm gia tăng nạn thất học, tảo hôn và bạo lực đối với phụ nữ.
Vì vậy, bà cho rằng các quốc gia phát thải cao như Anh, Mỹ và EU cần phải hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để bù đắp những tổn thất do biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh rằng điều này là cần thiết để đảm bảo công lý, trách nhiệm và công bằng, đồng thời cho rằng COP29 là cơ hội để những tiếng nói yếu thế được lắng nghe và lan tỏa.
Thể hiện sự lạc quan về triển vọng hợp tác trong tương lai, Chủ tịch COP29, ông Mukhtar Babayev, cho rằng một cơ chế mới sẽ được thiết lập để tạo cầu nối giữa COP28, COP29 và COP30. Cơ chế này nhằm huy động mọi nền tảng đa phương, từ Liên Hợp Quốc đến G20, để củng cố di sản của sự đồng thuận đạt được tại COP28.
“Đây là tấm vé bảo đảm giữ nhiệt độ toàn cầu 1,5℃ trong tầm tay. Tuy nhiên, thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào quyết tâm hành động của chúng ta,” ông nhấn mạnh.
*Bài viết này được thực hiện với sự tài trợ của Đối tác truyền thông về Biến đổi khí hậu COP29, do Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews và Trung tâm Hòa bình và An ninh Stanley tổ chức.