Yemen: Đầu tư vào nữ hộ sinh có tay nghề
Ở Yemen, trong năm 2024, hơn 440.000 phụ nữ đã được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo nữ hộ sinh. Trong đó, hơn 50.000 người sinh con an toàn tại nhà với sự hỗ trợ của nữ hộ sinh cộng đồng. Hơn 77.000 người đã nhận được dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. 9.300 phụ nữ bị biến chứng thai kỳ đã được chuyển đến cơ sở y tế, được chăm sóc chuyên khoa kịp thời.
![Chương trình đào tạo nữ hộ sinh do UNFPA hỗ trợ triển khai tại một học viện giáo dục đại học ở Aden, Yemen](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_338_51482675/def4fb35c87b2125786a.jpg)
Chương trình đào tạo nữ hộ sinh do UNFPA hỗ trợ triển khai tại một học viện giáo dục đại học ở Aden, Yemen
Quốc gia có tỷ lệ tử vong ở sản phụ cao nhất khu vực
Rokia Dukhna (22 tuổi) đã quyết tâm trở thành một nữ hộ sinh kể từ khi mẹ cô phải chịu đựng một trải nghiệm tồi tệ khi sinh nở. Dukhna lớn lên ở ngôi làng Al-Qahira, thuộc tỉnh ven biển Al Hudaydah (Yemen). Đây là nơi mà các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu rất khan hiếm.
Nhiều phụ nữ phải đối mặt với các biến chứng trong quá trình mang thai và chuyển dạ, trong đó có mẹ cô, người đã phải qua một ca sinh non.
"Điều đó đã thôi thúc tôi theo đuổi nghề hộ sinh, để tôi có thể góp sức thay đổi thực trạng này, để không có bà mẹ nào phải chịu sự đau đớn như những gì mẹ tôi đã trải qua", cô Dukhna chia sẻ.
Mặc dù đã có sự cải thiện trong những năm gần đây, Yemen vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở sản phụ cao nhất khu vực, với 183 ca tử vong ở sản phụ/100.000 ca sinh sống.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia đã bị kéo căng đến mức không thể chịu đựng được sau nhiều năm xung đột, thảm họa khí hậu liên tiếp và tình hình kinh tế bất ổn. Khoảng 40% cơ sở y tế ở nước này chỉ hoạt động một phần hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn do thiếu hụt nhân lực, điện, thuốc men và thiết bị, khiến hàng triệu người không được chăm sóc y tế đầy đủ.
![Chương trình đào tạo nữ hộ sinh do UNFPA hỗ trợ triển khai tại một học viện giáo dục đại học ở Aden, Yemen](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_338_51482675/6feb442a77649e3ac775.jpg)
Chương trình đào tạo nữ hộ sinh do UNFPA hỗ trợ triển khai tại một học viện giáo dục đại học ở Aden, Yemen
Nghiên cứu cho thấy nữ hộ sinh có thể ngăn ngừa khoảng 2/3 số ca tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, cũng như thai chết lưu trên toàn cầu và cung cấp khoảng 90% các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục, sinh sản, bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu.
Tuy nhiên, nghề này từ lâu đã bị gạt ra ngoài lề trong các hệ thống y tế, một sự mất cân bằng mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đang nỗ lực khắc phục bằng cách đầu tư vào công tác đào tạo để lực lượng này tiếp cận nhiều phụ nữ hơn và cứu sống nhiều người hơn.
Năm 2020, với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, UNFPA đã thành lập một loạt chương trình đào tạo kéo dài 3 năm tại 7 học viện ở những vùng xa xôi và khó tiếp cận, nơi tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cao ở Yemen.
Mặc dù cô Dukhna phải đi một quãng đường dài để đến được lớp học, cô vẫn kiên trì. "Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ và sau 3 năm, chúng tôi đã tốt nghiệp. Chúng tôi đã mang lại niềm vui cho những người mẹ, người cha", cô Dukhna nói.
Cô Dukhna có mong muốn giúp đỡ nhiều phụ nữ hơn nữa trong cộng đồng của mình. "Tôi luôn cảm thấy sợ hãi, đặc biệt là khi tôi phải đối mặt với những ca sinh phức tạp. Nhưng tôi biết rằng ước mơ không chỉ là của riêng tôi.
Tôi muốn trở thành hình mẫu cho các thế hệ tương lai. Tôi hy vọng sẽ mở một phòng khám nhỏ ở làng mình để hỗ trợ và chăm sóc các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tôi muốn mọi vùng nông thôn đều có các chuyên gia y tế có trình độ, có thể cứu sống các bà mẹ và trẻ em", cô tâm sự.
![Lớp học để trở thành nữ hộ sinh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_338_51482675/3af810392377ca299366.jpg)
Lớp học để trở thành nữ hộ sinh
Con đường tiến bộ
Naseem (28 tuổi) là một người mới tốt nghiệp từ sáng kiến này. Cô lớn lên ở làng Al-Haddab (tỉnh Sana'a), nơi mẹ cô khuyến khích con gái làm việc chăm chỉ và học ngành y.
"Nhờ bà ấy, tôi đã có thể hoàn thành chương trình phổ thông. Đó là bước đầu tiên để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu của tôi: Trở thành bác sĩ". Nhưng cuộc sống đã đặt ra nhiều thử thách trên con đường của Naseem, đặc biệt là khi chồng cô mất việc làm sau khi nền kinh tế Yemen bị sụp đổ.
"Tôi là người duy nhất kiếm tiền nuôi gia đình. Tôi làm giáo viên nhưng ước mơ trở thành bác sĩ chưa bao giờ rời khỏi trái tim tôi", cô kể.
Sau đó, Naseem nghe nói về chương trình của UNFPA. "Tôi nhận được một cuộc gọi về cơ hội đào tạo để trở thành một nữ hộ sinh ở vùng nông thôn. Bất chấp những trở ngại - bao gồm cả những bất đồng trong gia đình khi tôi trở nên bận rộn hơn, tôi đã quyết tâm theo học.
![Một nhóm phụ nữ băng qua sân trước một tòa nhà giáo dục đại học](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_338_51482675/f32adcebefa506fb5fb4.jpg)
Một nhóm phụ nữ băng qua sân trước một tòa nhà giáo dục đại học
Khóa đào tạo này không chỉ là cơ hội để tôi làm việc mà còn là cách tôi chứng minh bản thân mình, cứu sống những người trong làng và cải thiện tương lai của con cái tôi", cô Naseem nói.
Tính đến cuối năm 2024, có 139 nữ hộ sinh đã tốt nghiệp từ các học viện do UNFPA hỗ trợ và được cử đến những khu vực đang cần nữ hộ sinh. Sáng kiến này không chỉ cứu sống mà còn trao quyền cho phụ nữ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
"Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng một ca sinh khó kết thúc bằng việc người mẹ bị liệt do thiếu nữ hộ sinh có trình độ. Cảnh tượng đó khiến tôi vô cùng bàng hoàng. Tôi nhận ra nhu cầu phải có ít nhất một chuyên gia y tế được đào tạo ở mỗi ngôi làng xa xôi.
Chính khoảnh khắc đó đã thúc đẩy mong muốn trở thành nữ hộ sinh của tôi, để đảm bảo không có người phụ nữ nào khác phải chịu đau khổ do thiếu sự chăm sóc thích hợp", Naseem nhớ lại.
Nguồn: UNFPA