Ý tưởng khởi nghiệp gắn với bảo vệ môi trường của học sinh
Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đã tác động lớn đến nhận thức của học sinh; từ đó, các em đã có những ý tưởng sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường (BVMT). Tại Cuộc thi học sinh với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Trà Vinh tổ chức, có nhiều ý tưởng hướng đến các sản phẩm góp phần BVMT được đánh giá cao.
Được biết, năm 2024 là năm thứ tư Sở GD-ĐT tổ chức Cuộc thi học sinh với ý tưởng khởi nghiệp. Với 151 dự án dự thi, tăng hơn 02 lần so với năm đầu tiên tổ chức (năm 2021 có 70 dự án), cho thấy sự quan tâm của các cơ sở giáo dục và ý thức của học sinh đối với vấn đề khởi nghiệp được nâng lên. Các dự án dự thi xoay quanh các lĩnh vực: giáo dục, du lịch, y tế, kinh doanh, dịch vụ, công nghiệp, chế tạo sản phẩm, nông, ngư nghiệp… đặc biệt có nhiều dự án hướng tới BVMT, giải quyết các vấn đề khó khăn của nông sản địa phương, tạo ra những sản phẩm thân thiện với với môi trường, đưa ra các giải pháp hữu hiệu giúp tái chế rác thải và BVMT; các tác giả dự thi có ý tưởng mang tính khả thi cao, tạo thành công của cuộc thi.
Hầu hết các dự án đạt giải cao đều có yếu tố tạo sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng đến BVMT như: tranh làm từ vỏ trứng, hạt đậu và gạo, kem đánh răng thảo dược, thiết bị trao đổi rác thải nhựa lấy chai nước, G2N Sản phẩm từ gừng Long Hiệp - Sự lựa chọn cho sức khỏe, khẩu trang từ lá sả và xơ dừa kết hợp chitosan từ vỏ tôm, sản phẩm handmade từ chai nhựa và dây thừng gai, viên hút ẩm từ thân bèo lục bình, đồ lưu niệm làm từ đất sét tự khô, ván ép làm từ gốc rạ…
Điển hình như dự án “Thiết bị trao đổi rác thải nhựa lấy chai nước” của học sinh Lâm Gia Phúc, lớp 9A, Trường Thực hành sư phạm Trà Vinh được trao giải Nhì khối THCS.
Lâm Gia Phúc chia sẻ: em nhận thấy, hiện nay khối lượng rác thải nhựa thải ra hàng ngày rất nhiều và rất nhiều người chưa biết cách tái chế. Em mong muốn từ rác thải nhựa sẽ làm ra những sản phẩm, thiết bị cần thiết cho đời sống nên thực hiện ý tưởng dự án “Thiết bị trao đổi rác thải nhựa lấy chai nước”, phù hợp với điều kiện trường học có nhiều học sinh.
Quá trình thực hiện dự án, Gia Phúc gặp những khó khăn, sai sót trong thực hiện bộ điều khiển thiết bị nhưng được giáo viên hướng dẫn và thầy cô Trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ xem xét, điều chỉnh kỹ thuật bộ điều khiển nên dự án “Thiết bị trao đổi rác thải nhựa lấy chai nước” của em đã hoàn thành. Gia Phúc hy vọng từ dự án của mình sẽ góp phần lan tỏa thông điệp BVMT đến bạn bè và cộng đồng.
Còn dự án “Khẩu trang từ lá sả và xơ dừa kết hợp chitosan từ vỏ tôm” của nhóm học sinh Phạm Hoàng Châu, Đoàn Tố Như Trần Thị Phương Thảo Nguyễn Ngọc Phương My Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành đoạt giải Ba khối THPT.
Em Phạm Hoàng Châu, lớp 12D chia sẻ: các em muốn sản xuất sản phẩm khẩu trang từ các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường như xơ dừa, lá sả, vỏ tôm. Đây đều là những nguyên liệu thân thuộc, có rất nhiều tại địa phương. Đặc biệt, các em tận dụng phụ phẩm từ vỏ tôm chiết xuất ra chitosan, là một loại polymer sinh học, hiện chitosan trên thị trường giá khá cao nên việc tận dụng vỏ tôm chiết xuất chitosan sẽ có hiệu quả về kinh tế. Nếu sản phẩm của nhóm em đưa vào sản xuất được, có thể tạo bước đột phá trong sản xuất, chế biến chitosan, giúp giảm giá thành và tạo được khẩu trang thân thiện với môi trường.
Qua 05 tháng phối hợp thực hiện ý tưởng, bước đầu gặp một số khó khăn do các em còn thiếu thiết bị trong quá trình chiết xuất nhưng nhóm đã làm ra được sản phẩm bước đầu và khá vừa ý, được ban giám khảo đánh giá cao. Em Phạm Hoàng Châu cho biết thêm: mục tiêu của nhóm là vừa tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe vừa góp phần BVMT. Theo tính toán, chi phí sản xuất khoảng 2.250 đồng/cái, sắp tới có điều kiện các em sẽ hiện thực hóa ý tưởng, triển khai sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, bán ra thị trường. Ban đầu chưa có tiền mua máy mới sẽ đặt hàng gia công.
Theo thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững. Hiện, hoạt động khởi nghiệp được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông, góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của học sinh và cả giáo viên. Kết quả đạt được của Cuộc thi học sinh với ý tưởng khởi nghiệp cho thấy sự nỗ lực của học sinh trong nghiên cứu, sáng tạo. Đồng thời, minh chứng tinh thần đổi mới và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với hoạt động BVMT.