Y tế TP.HCM sau sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Sở Y tế TP.HCM vừa trình UBND thành phố phương án tổ chức lại các cơ quan chuyên môn sau khi sáp nhập với Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.

 Sở Y tế TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp phòng ban chuyên môn khi sáp nhập. Ảnh: Medinet.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp phòng ban chuyên môn khi sáp nhập. Ảnh: Medinet.

Ngày 8/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM và Sở Nội vụ, đề xuất phương án tổ chức lại bộ máy hành chính, các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp.

Trong đề xuất, Sở Y tế nêu phương án sáp nhập các phòng chuyên môn và chi cục sau khi sáp nhập hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, dựa trên chức năng, nhiệm vụ Sở Y tế TP.HCM đề xuất sau sáp nhập sẽ còn lại 12 đầu mối cơ quan chuyên môn. Trong đó có các phòng giữ nguyên tên gọi như Văn phòng Sở, Thanh tra, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Nghiệp vụ Dược, Phòng Bảo trợ xã hội và Chi cục Dân số.

Phòng Quản lý dịch vụ y tế hiện chỉ có tại TP.HCM, sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng chức năng sau sáp nhập. Phòng Công nghệ thông tin sẽ được sáp nhập và đổi tên thành Phòng Thông tin - Công nghệ, nhằm bao quát đầy đủ hoạt động ứng dụng số trong ngành y.

Các phòng, chi cục có chức năng tương đồng như Phòng Dân số, Chi cục Dân số - KHHGĐ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Chi cục Dân số (TP.HCM) sẽ hợp nhất thành một Chi cục Dân số chung. Tương tự, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội ở ba địa phương sẽ được thống nhất.

Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của 2 tỉnh sẽ không tổ chức lại theo Sở Y tế, mà được sáp nhập về Sở An toàn thực phẩm TP.HCM để đảm bảo quản lý chuyên sâu.

Sở Y tế đề xuất phương án sáp nhập các phòng chuyên môn, chi cục sau khi sáp nhập Sở Y tế TP.HCM, Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Sở Ytế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tạm thời giữ nguyên tổ chức và hoạt động của các trung tâm y tế, trạm y tế tại hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu như hiện tại. Cụ thể, Bình Dương có 9 trung tâm y tế và 91 trạm y tế; Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 trung tâm y tế và 79 trạm y tế.

Sau khi hoàn tất việc sắp xếp, TP.HCM sẽ tiến hành khảo sát thực trạng tổ chức, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nhu cầu khám chữa bệnh tại các địa phương liên quan.

Về hệ thống bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh hiện có, bao gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, khu vực, cũng như các cơ sở bảo trợ xã hội và trợ giúp xã hội.

Toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ được chuyển về trực thuộc Sở Y tế TP.HCM sau khi hoàn tất sắp xếp, nhằm bảo đảm duy trì dịch vụ khám chữa bệnh tuyến cơ sở, chuyên sâu và các dịch vụ trợ cấp, công tác xã hội cho người dân.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất tổ chức lại hệ thống trung tâm y tế trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM sẽ có 10 trung tâm y tế khu vực (không có giường bệnh nội trú), trực thuộc Sở Y tế, được bố trí theo nguyên tắc phù hợp với điều kiện địa lý và quy mô dân số.

Mỗi trung tâm y tế khu vực sẽ phụ trách khoảng 1 triệu dân. Riêng hai huyện Củ Chi và Cần Giờ, do đặc thù địa lý, dù dân số chưa đạt 1 triệu vẫn được sắp xếp riêng mỗi địa bàn một trung tâm y tế khu vực. 8 trung tâm còn lại gồm một trung tâm tại TP Thủ Đức và 7 trung tâm còn lại phân bố tại các khu vực khác của thành phố.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/y-te-tphcm-sau-sap-nhap-binh-duong-ba-ria-vung-tau-post1552006.html
Zalo