Giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.200 đồng/kWh từ ngày mai 10/5

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ ngày mai 10/5.

Ngày 9/5, nguồn tin của Báo Xây dựng cho hay, mức giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8% từ mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), lên mức hơn 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Mức giá điện mới áp dụng chính thức từ ngày mai 10/5/2025.

Như vậy kể từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần tăng giá điện, lần lượt 3% 4,5%, 4,8% và 4,8%

Từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện. Ảnh: EVN.

Từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện. Ảnh: EVN.

Theo báo cáo của EVN, tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng. Trong đó doanh thu công ty mẹ - EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2023.

Kết quả kinh doanh của EVN hòa vốn, tuy nhiên, vẫn còn gần 50.000 tỷ thua lỗ từ 2 năm 2022, 2023.

Kế hoạch năm 2025, EVN đặt ra mục tiêu kết quả sản xuất kinh doanh năm 2025 có lợi nhuận.

Liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 07, quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Luật Điện lực số 61 năm 2024.

Theo quyết định, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công thương có trách nhiệm tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Về thời gian điều chỉnh giá điện, theo quy định mới tại Nghị định 72 vừa được ban hành hồi tháng 3, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân cần tăng từ 2 - 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. EVN sẽ quyết định việc tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi Bộ Công thương có ý kiến.

Nếu cần tăng từ 5 - 10%, EVN chỉ được phép tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.

Còn với mức tăng từ 10% trở lên, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.

Hồng Hạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/gia-dien-tang-48-len-hon-2200-dong-kwh-tu-ngay-mai-10-5-192250509144747561.htm
Zalo