Ý nghĩa sau danh hiệu của tân Giáo hoàng Leo XIV

Giáo hoàng Leo XIV chính thức trở thành vị Giáo hoàng thứ 267.

Trong làn khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, thế giới chứng kiến một thời khắc lịch sử: Robert Francis Prevost trở thành Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên, lấy danh hiệu là Leo XIV – một lựa chọn đầy biểu tượng cho sứ mệnh mà ông đang hướng đến.

Việc tân Giáo hoàng chọn tên hiệu Leo XIV ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới học giả và tín hữu toàn cầu. Đây không chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên mang tính truyền thống, mà còn là tuyên ngôn sâu sắc về định hướng của triều đại giáo hoàng mới – tiếp nối di sản xã hội Công giáo và sứ vụ vì công lý toàn cầu mà cố Giáo hoàng Phanxicô đã khởi xướng.

Theo Giáo sư Natalia Imperatori-Lee, Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Manhattan (Mỹ), quyết định lấy tên Leo XIV mang ý nghĩa vượt xa yếu tố biểu tượng. “Tôi nghĩ nhiều người đã đặt dấu hỏi khi Vatican bầu một người Mỹ làm giáo hoàng. Nhưng khi ông ấy chọn danh hiệu Leo XIV, tôi lập tức hiểu rằng ông đang gửi một thông điệp rất rõ ràng: sự tiếp nối và cam kết với các vấn đề xã hội, điều mà Đức Leo XIII từng khởi xướng”, bà nhận định.

Giáo hoàng Leo XIII, người tiền nhiệm mà Leo XIV lấy cảm hứng từ, từng là lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ năm 1878 đến 1903. Ông nổi tiếng với thông điệp Rerum Novarum năm 1891 – văn kiện đầu tiên đặt nền móng cho học thuyết xã hội Công giáo, khi đề cập đến quyền của người lao động trong bối cảnh công nghiệp hóa và phân hóa giàu nghèo. Thông điệp này phê phán chủ nghĩa tư bản tự do cũng như chủ nghĩa xã hội cực đoan, từ đó định hình nên một lối đi riêng mang đậm bản sắc Công giáo về kinh tế - xã hội.

Vatican đã xác nhận ý nghĩa lựa chọn tên Leo. Người phát ngôn Matteo Bruni cho biết: “Tân Giáo hoàng muốn nhấn mạnh sự tiếp nối với học thuyết xã hội Công giáo, đặc biệt là những di sản mà Đức Leo XIII để lại. Đó là một tuyên bố về sự ưu tiên cho công lý xã hội trong thời đại mới".

Không chỉ gợi nhớ đến Leo XIII, danh hiệu Leo còn mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc qua các thời kỳ khác nhau. Hồng y Mauro Piacenza, trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình nhà nước Ý RAI, nhắc đến Giáo hoàng Leo I – vị giáo hoàng thế kỷ thứ V, nổi tiếng vì đã can thiệp ngoại giao để ngăn chặn cuộc xâm lược của Attila the Hun vào năm 452. Hành động dũng cảm của Leo I được xem như biểu tượng cho vai trò lãnh đạo và can thiệp nhân đạo của Giáo hội trong những thời điểm khủng hoảng.

Một cách gián tiếp, danh hiệu Leo cũng có thể gợi đến tu sĩ Anh Leo – bạn đồng hành của Thánh Phanxicô Assisi vào thế kỷ XIII. Điều này càng củng cố suy đoán rằng Leo XIV muốn thể hiện sự tiếp nối tinh thần giản dị, gần gũi với người nghèo, như cách Đức Phanxicô từng làm khi chọn danh hiệu của mình dựa theo vị thánh thành Assisi.

Giáo hoàng Leo XIII lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ năm 1878 đến năm 1903.

Giáo hoàng Leo XIII lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ năm 1878 đến năm 1903.

Trong gần 1.000 năm đầu tiên của Giáo hội, các giáo hoàng thường giữ nguyên tên khai sinh. Tuy nhiên, từ thế kỷ VI, Giáo hoàng Mercurius – vì mang tên một vị thần ngoại giáo – đã quyết định lấy tên mới là John II, mở ra truyền thống đặt tên hiệu mới khi lên ngôi. Theo nhà sử học Roberto Regoli thuộc Đại học Giáo hoàng Gregorian, từ thế kỷ XI, truyền thống này ngày càng mang tính biểu tượng và định hướng, giúp các giáo hoàng bày tỏ mục tiêu của triều đại mình.

John là tên hiệu phổ biến nhất với 23 vị giáo hoàng lựa chọn, tiếp theo là Benedict và Gregory, mỗi người có 16 vị. Nhưng từ giữa thế kỷ XX đến nay, nhiều giáo hoàng bắt đầu chọn tên để truyền tải tầm nhìn cá nhân. Việc Leo XIV chọn một danh hiệu gợi nhiều liên tưởng lịch sử và xã hội cho thấy ông không chỉ muốn tiếp tục sứ vụ của Đức Phanxicô, mà còn đang khởi đầu một chương mới cho Giáo hội trong thế kỷ XXI – một chương sách mà công lý xã hội có thể là tiêu đề chính.

Minh Quân

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/y-nghia-sau-cai-ten-cua-tan-giao-hoang-leo-xiv-202505090946039409.html
Zalo