Ý nghĩa nhân văn từ một đề án
Bài 2:
NGÂN HÀNG GEN - TRẢ LẠI TÊN CHO LIỆT SĨ
BPO - Từ tháng 7-2024, Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ chính thức ra mắt. Đây không chỉ thể hiện những thành tựu, “điểm sáng” của Đề án 06 trong chuyển đổi số mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Cụ thể hóa một trong những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai thu mẫu ADN, xây dựng Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Mở ra hy vọng…
Trải qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất đã không tiếc xương máu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau còn hiện hữu, nhất là đối với những thân nhân liệt sĩ vì còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và vẫn còn nhiều mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Bà Lê Thị Tý ở phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài có cha và em trai đều hy sinh khi tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cha của bà là liệt sĩ Lê Khanh, hy sinh năm 1966; sau nhiều năm tìm kiếm đã được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Còn em trai của bà là liệt sĩ Lê Phụng (SN 1950) thoát ly theo bộ đội vào chiến đấu tại An ninh khu 10, hy sinh năm 1970 tại xã 9, K29 thuộc huyện Bù Đăng nhưng cũng có nguồn tin hy sinh tại Công an khu 10, Trạm xá K29, huyện Bù Đăng. Chiến tranh đã lùi xa, nhiều năm qua ai chỉ đâu gia đình bà đều đi tìm ở đó nhưng chưa có kết quả. Bà Tý cho biết: Gia đình tôi được lập danh sách chuẩn bị lấy mẫu sinh trắc ADN phục vụ việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Dù biết không dễ dàng xác định danh tính các liệt sĩ nhưng chúng tôi rất mừng vì được thắp lên hy vọng sớm tìm thấy hài cốt của em trai để đưa về an táng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài có 6 anh chị em đều tham gia cách mạng. Trong đó, liệt sĩ Nguyễn Sỹ Hiền (SN 1950) là người anh thứ 3 trong gia đình, hy sinh ở mặt trận phía Nam, chiến trường Quảng Trị năm 1973. “Sau hòa bình, anh em tôi đã đi tìm kiếm nhiều nơi, cũng nhiều lần đến nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh, thành phố nhưng tới nay vẫn chưa tìm thấy anh. Hành trình tìm kiếm hài cốt của anh trai gian truân lắm nhưng chưa bao giờ chúng tôi ngừng hy vọng. Chúng tôi rất mong sau khi lấy mẫu ADN có thể tìm thấy hài cốt của anh đưa về với gia đình” - ông Tuấn chia sẻ.
Hiện còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và nhiều mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Đây là nỗi day dứt, trăn trở của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong khi đó, thông tin, tài liệu và nhân chứng về các liệt sĩ tản mát, ngày càng ít; chất lượng mẫu hài cốt giảm dần theo thời gian; nhiều thân nhân liệt sĩ đã mất; việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, cung cấp thông tin cho các gia đình liệt sĩ còn hạn chế... Điều này đòi hỏi công cuộc “trả lại danh tính” liệt sĩ phải được triển khai gấp rút.
…bằng mệnh lệnh trái tim
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam nước bạn Lào và Campuchia; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được thông tin. Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 10.000 mộ liệt sĩ, trong đó gần 6.000 mộ liệt sĩ biết thông tin nhưng không đầy đủ và chưa chính xác, 4.000 mộ chưa xác định được thông tin. Từ năm 2002 đến nay, Bình Phước đã quy tập được hơn 3.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ hơn 200 hài cốt liệt sĩ có thông tin chính xác.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đang triển khai Luật Căn cước, trong đó, xây dựng Cơ sở dữ liệu căn cước có dữ liệu thông tin ADN nhằm phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ về chủ trương thực hiện phân tích thông tin ADN cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN của thân nhân liệt sĩ nhằm đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ.
Đội K72 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cất bốc hài cốt liệt sĩ tại thị xã Bình Long - Ảnh: Trương Hiện
Để phục vụ Ngân hàng Gen liệt sĩ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Mãi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Bình Phước đã hoàn thành điều tra thu thập thông tin thân nhân liệt sĩ với 3.835/3.783 phiếu điều tra. Sở đã kiểm tra, làm sạch dữ liệu, xác nhận thông tin về liệt sĩ và bàn giao cho Công an tỉnh nhập lên phần mềm. Từ nguồn dữ liệu này sẽ tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN của thân nhân liệt sĩ để đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính dễ dàng hơn.
Tại hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: “Đây là việc làm rất ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài, song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ”.
Việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử cũng như ứng dụng tiện ích của Đề án 06 trong việc đối sánh dữ liệu, thu thập mẫu ADN đối với thân nhân liệt sĩ là một trong những nội dung trọng tâm mà Chính phủ hướng đến. Cùng với chính sách chăm lo người có công, việc thu mẫu ADN để thành lập ngân hàng gen được xem là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ.