Ý nghĩa của Tết Thanh minh
Tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, là dịp để con cháu hướng về cội nguồn và tưởng nhớ những người đã khuất trong gia tộc.
Tiết Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4/4 hoặc 5/4 đến khoảng ngày 20/4 hoặc 21/4 dương lịch hàng năm.
Căn cứ vào lịch vạn niên, tết Thanh minh năm 2024 rơi vào thứ 5, ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 26/2 âm lịch. Tiết Thanh minh năm nay kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, từ ngày 4/4 đến ngày 19/4 dương lịch.
Ý nghĩa của tết Thanh minh
Tết Thanh minh là dịp để mọi người báo hiếu, bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên.
Thanh minh gắn liền với tục tảo mộ, một phong tục phổ biến của người Việt khắp mọi miền đất nước. Vào ngày tết Thanh minh, các gia đình thường thăm viếng mộ, cắt tỉa cỏ dại trên mộ người thân.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, phong tục tảo mộ xuất phát từ việc vào tiết Thanh minh thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm kín lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.
Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, như một truyền thống của dòng tộc để con cháu thực hiện, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết…
Theo truyền thống, các gia đình thường làm lễ cúng Tết Thanh minh tại phần mộ tổ tiên và tại nhà.
Theo tục lệ của người Việt, trong dịp Thanh minh, mọi người mang theo xẻng, cuốc ra nghĩa trang để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy bỏ cỏ dại và những cây bụi mọc trùm lên mộ, tránh tình trạng rắn, chuột đào hang, làm tổ hay thu hút trâu bò đến phá, quấy rối, xâm phạm tới linh hồn người đã khuất.
Với những khu mộ đã xây, người ta quét dọn sạch sẽ, sau đó người tảo mộ thắp hương, đặt lễ để cúng mộ.
Không chỉ dâng mâm lễ cũng thắp hương cho phần mộ gia tộc mình, trong dịp Tết Thanh minh, người Việt còn giúp quét dọn, thắp hương cho những nấm mồ vô chủ hoặc ít người thăm viếng, thể hiện lòng thương cảm, chia sẻ... người đã khuất.
Theo VTC News