Ý nghĩa 3 chỉ số trên máy đo huyết áp
3 chỉ số trên máy đo huyết áp phản ánh tình trạng sức khỏe tim mạch là huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và nhịp tim.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch. Khi tim co bóp, áp lực được tạo ra đẩy máu chứa oxy và dưỡng chất đi khắp cơ thể để nuôi dưỡng các cơ quan. Mỗi nhịp tim tạo một chu trình với giai đoạn tâm thu (tim co bóp) và tâm trương (tim thư giãn). Huyết áp và sức khỏe tim mạch phụ thuộc vào sự cân bằng giữa sức co bóp của tim, độ đàn hồi hệ thống mạch máu và thể tích nhát bóp.
Khi đo huyết áp, sẽ có 3 số được hiển thị trên máy đo, mỗi số đại diện cho một loại áp lực khác nhau trong chu kỳ tim đập bao gồm: số lớn ở trên là huyết áp tâm thu, số nhỏ ở giữa là huyết áp tâm trương và số ở dưới cùng là nhịp tim.

Khi đo huyết áp, sẽ có 3 số được hiển thị trên máy đo huyết áp
Đơn vị đo huyết áp thường được sử dụng là mmHg (mi-li-mét thủy ngân). Theo dõi các chỉ số trên máy đo huyết áp giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe tim mạch của bệnh nhân và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường liên quan đến huyết áp.
3 chỉ số trên máy đo huyết áp cơ bản
Huyết áp tâm thu (số cao ở trên) là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp, đẩy máu vào hệ thống mạch máu;
Huyết áp tâm trương (số thấp ở dưới) là áp lực máu khi tim giãn ra để đón nhận máu trở về, đại diện cho áp lực nền trong hệ thống mạch máu khi tim không co bóp;
Nhịp tim (số ở dưới cùng) thể hiện số lần tim đập trong một phút, giúp đánh giá hiệu quả bơm máu và phát hiện các rối loạn nhịp tim tiềm ẩn.
Ví dụ kết quả huyết áp đo được là 120/80, 72, có nghĩa huyết áp tâm thu là 120 mmHg, huyết áp tâm trương là 80 mmHg và số nhịp tim là 72 nhịp/phút.
Thông qua 3 chỉ số này, bác sĩ có thể đánh giá chung về sức khỏe của hệ tim mạch, giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như tăng huyết áp, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Thời điểm đo huyết áp trong ngày khác nhau có thể cho ra các kết quả không giống nhau, huyết áp thường cao hơn vào buổi sáng và thấp hơn vào ban đêm khi ngủ. Vì vậy, khi cần theo dõi huyết áp và nhịp tim thường xuyên, nên thực hiện đo trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để có đánh giá chính xác hơn.
Nếu sau khi đo nhận thấy 1 trong 3 chỉ số trên máy đo huyết áp bất thường hoặc có kèm theo dấu hiệu khác, nên đến bệnh viện để thăm khám, được đo huyết áp lại chính xác và làm các chẩn đoán cận lâm sàng khác nếu cần.