Ý kiến cử tri

Cử tri Nguyễn Hữu Đạt, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc (Đồng Tháp): Trách nhiệm phải được nâng cao khi tham gia mạng xã hội

Làm nghề buôn bán nhỏ nên khi có thời gian rảnh rỗi, tôi hay cầm điện thoại để theo dõi tin tức. Tuy nhiên, mỗi lần vào một trang thông tin nào để tìm kiếm thì điện thoại lại hiện lên rất nhiều nội dung quảng cáo, giật gân, phản cảm, sai sự thật..., nhiều lúc tôi phải tắt điện thoại để vào lại. Qua theo dõi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, tôi rất tâm đắc trước những phương án mà Bộ trưởng nêu ra trong việc quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng đã nêu lên một số giải pháp để xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam; trách nhiệm của mạng xã hội trong việc gỡ bỏ tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, hệ lụy tiêu cực...

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam; một số địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này... Theo tôi, những nội dung Bộ trưởng trả lời các đại biểu là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay; bởi nếu thời gian trước không gian mạng là vô danh thì mọi người có thể vô trách nhiệm, nhưng giờ đây khi đã có các quy định, biện pháp nên trách nhiệm của mọi người sẽ được nâng lên khi tham gia mạng xã hội; đặc biệt người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, tin xấu độc nay đã có nơi để phản ánh.

QUANG ĐỨC (ghi)

---------------------------------------------------------------------

Cử tri NGUYỄN HỒNG ANH, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội:

Tăng cường kiểm tra các giao dịch thương mại điện tử

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều quảng cáo về mỹ phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng giá rẻ, các loại thuốc Đông y nhưng nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin mà đã đặt mua những sản phẩm đó để rồi “tiền mất, tật mang”. Khi gọi điện thoại, nhắn tin phản hồi với người bán hàng về chất lượng sản phẩm không bảo đảm thì ngay lập tức bị chặn liên lạc.

Nếu những sự việc tương tự không bị ngăn chặn và vẫn tiếp diễn thì người tiêu dùng sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Do vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết đúng về thực phẩm chức năng; tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật. Trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, YouTube... và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Về phía người tiêu dùng, khi mua hàng trên mạng xã hội cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về cách kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thông qua tên thương hiệu, mã QR trên sản phẩm, nhà cung cấp... Nếu phát hiện sản phẩm giả, kém chất lượng khi mua hàng trên mạng xã hội thì cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử phạt kịp thời.

ANH MINH (ghi)

------------------------------------------------------------

Cử tri CHU BẢO HIỆP, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP Hồ Chí Minh:

Phát triển tổ công nghệ số ở khu vực vùng sâu, vùng xa

Bản thân tôi đang công tác tại một trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng hình thức dạy và học trực tuyến diễn ra thường xuyên, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có sóng internet hoặc sóng yếu nên không thể tiếp cận kiến thức, bắt kịp nhịp độ học tập. Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, tôi thấy các nội dung đã phản ánh đúng thực trạng dư luận xã hội đang quan tâm hiện nay. Tôi đánh giá cao việc Bộ Thông tin và Truyền thông nỗ lực sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, trong đó có vấn đề đưa dịch vụ viễn thông tới vùng sâu, vùng xa.

Trên thực tế, việc đầu tư hạ tầng viễn thông đến các xã vùng sâu, vùng xa đã và đang được triển khai. Qua kiểm tra, rà soát, thống kê cho thấy, hiện nay hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa đều có sóng điện thoại hoặc internet cáp quang. Chúng ta không thể phủ nhận việc phủ sóng internet tại các vùng “lõm” không chỉ giúp người dân cập nhật thông tin mà còn biết ứng dụng công nghệ, qua đó có thể làm thay đổi cách sống, cách canh tác, làm việc, học tập, mua bán... Để làm điều này hiệu quả, chúng tôi mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cần dành sự quan tâm sâu sát hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc triển khai các chương trình phục vụ việc tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là phát triển mạnh mẽ tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ này sẽ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu, vận động người dân trau dồi và nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng nắm bắt và tìm hiểu thông tin trên nền tảng kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu, trình độ, phong tục, tập quán của địa phương, tránh các thông tin xấu, độc hại. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh tại địa phương.

KIỀU OANH (ghi)

--------------------------------------------------------

Cử tri TRẦN ĐÌNH BÍNH, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk:

Cần tích cực phát triển hạ tầng viễn thông ở miền núi

Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khá thẳng thắn và nêu rõ những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong thời đại ngày nay, các dịch vụ viễn thông cơ bản (internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh...) đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống. Với sự hỗ trợ của các dịch vụ viễn thông, người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận, nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những mô hình, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tuy nhiên, ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, việc hỗ trợ người dân tiếp cận internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa chưa có hạ tầng viễn thông. Do vậy, tỷ lệ hộ DTTS sử dụng dịch vụ internet còn rất thấp. Và như vậy, những vùng này không có sóng điện thoại di động, không có internet khiến người dân khó có thể rút ngắn khoảng cách với các khu vực, các vùng, miền. Nguyên nhân khó khăn do cơ sở hạ tầng còn thiếu. Phần lớn thôn, bản nằm cách xa trung tâm xã; đi lại khó khăn nên chi phí vận hành, cung cấp dịch vụ viễn thông tốn kém.

Mặt khác, ngân sách dành cho ngành thông tin và truyền thông tại vùng DTTS thấp, nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin còn yếu cũng gây trở ngại cho việc triển khai các dịch vụ viễn thông tại vùng DTTS và miền núi. Quá trình đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật vào các thôn, bản “vùng lõm” thường có nguy cơ thua lỗ do chi phí đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn thấp, kinh doanh không hiệu quả, nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà... Trong khi hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, miễn giảm, chia sẻ hạ tầng giữa các ngành để phát triển hạ tầng tại các thôn, bản. Một số chính sách hướng dẫn, hỗ trợ và triển khai, thực hiện việc phát triển hạ tầng viễn thông tại các thôn, bản “trắng” về hạ tầng viễn thông vẫn còn chậm...

THÁI SƠN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/y-kien-cu-tri-802769
Zalo