Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ cuối: Phác họa chân dung Puih Glớ

Hạ trực thăng, tiêu diệt hàng chục binh sĩ Mỹ, trong đó có cả tướng tư lệnh, từ lâu, chiến công của Puih Glớ và du kích làng Maih (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã được sử sách ghi nhận.

Tiếc là, ông Puih Glớ mất khá sớm (năm 1986) và dường như không để lại bất cứ giấy tờ tùy thân hay văn bản, hình ảnh liên quan nào. Chúng tôi đã trở về huyện Ia Grai cố gắng phác họa chân dung Puih Glớ.

Puih Glớ... tên là gì?

Đây không phải là một câu hỏi thừa. Bởi đã có hàng chục cuốn sách, tài liệu ghi tên người du kích này không giống nhau. “Puih Glỡ” là cái tên được sử dụng trong nhiều tài liệu lịch sử địa phương xuất bản trước năm 2000 như: Gia Lai 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), Thị xã Pleiku 60 năm đấu tranh và xây dựng (1930-1990), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập I (1945-1975) và Địa chí Gia Lai...

Giai đoạn này, phần mềm dành cho bộ chữ Tây Nguyên chưa phát triển như hiện nay. Do đó, theo suy đoán của chúng tôi, các tác giả sách chắc chắn hiểu và rất muốn định dạng từ “Glớ” nhưng công nghệ đã không thể hỗ trợ họ.

Đáng lưu ý, trên đây là những cuốn sách cơ bản, nếu không muốn nói là quan trọng. Do đó, các sách cùng loại được biên soạn, in ấn sau thì chọn sự an toàn bằng cách trung thành với lối diễn đạt có sẵn từ trước.

Cùng với cách ghi “Glỡ”, một số sách lịch sử của tỉnh Gia Lai in sau năm 2000 còn có những cách thể hiện khác, như: Glơ, Glở, Glờ hoặc Glơh, GLờh, GLỡh, thậm chí là Lỡ như trong một cuốn mới in năm 2017. Ngay cả sách lịch sử của Đảng bộ huyện Ia Grai qua 2 lần xuất bản cũng đã có hơn một cách định danh tên người du kích Jrai này; năm 2005: GLờ, năm 2014: Glớ.

Tài liệu sớm nhất mà chúng tôi tìm đọc được ghi tên ông là Pui-kơ-lớ. Võ vẽ biết một chút tiếng Jrai, nhiều lần trở lại quê hương của Puih Glớ tìm hiểu phương ngữ, chúng tôi nhận ra rằng, người làng Maih phát âm phụ âm ghép “gl” gần giống với “kl”. Có lẽ đây là lý do chính khiến tài liệu vừa nêu, một báo cáo thành tích được cho là tạo lập vào năm 1974, từng lưu trữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đánh máy danh từ “Puih Glớ” thành “Pui-kơ-lớ”.

Theo chúng tôi, tên người du kích này nên được thể hiện thống nhất trên các tài liệu, đặc biệt là sách lịch sử, ít nhất là trong phạm vi tỉnh Gia Lai. Cụ thể, từ Glớ nếu viết theo kiểu chữ Jrai, dấu sắc hiện tại phải được thay bằng dấu móc trên đầu chữ ơ (Glơ\). Tuy nhiên, do cả 2 kiểu thể hiện này đều được đọc, nói giống nhau nên có thể giữ lại cách viết tên ông như nhiều tài liệu trước nay đã từng ghi: Glớ.

Puih Glớ sinh năm bao nhiêu?

Câu hỏi này cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến vấn đề tiếp theo: Người du kích Jrai ấy đã cùng đồng đội hạ máy bay Mỹ ngày 12-5-1970 khi Puih Glớ bao nhiêu tuổi, có phải là thiếu niên không?

Sách báo đã thông tin, khi vào du kích, Puih Glớ thấp bé, nhỏ hơn những người đồng trang lứa rất nhiều. Về chi tiết “nhỏ con” của nhân vật, chúng tôi đã hỏi và những người cùng thời với ông ở làng Maih thống nhất xác nhận: Puih Glớ giống mẹ nên nhỏ nhắn như vậy. Thế nhưng, điều này không liên quan đến tuổi thật của ông.

Anh Rơ Châm Hvuông-con trai đầu của ông Puih Glớ. Ảnh: N.Q.T

Anh Rơ Châm Hvuông-con trai đầu của ông Puih Glớ. Ảnh: N.Q.T

Sách báo cũng từng viết, Puih Glớ bắt đầu tham gia du kích năm 1968, khi mới 11 hoặc 14 tuổi và bắn cháy máy bay Mỹ năm 1970 khi 13 hoặc 16 tuổi. Với độ tuổi dao động như vừa nêu, Puih Glớ có thể được sinh ra vào các năm 1957, 1956 hoặc 1954. Dù thế nào đi chăng nữa, vẫn cần một bằng chứng cụ thể về tuổi của ông.

Đáng tiếc là sau năm 1975, khi các loại giấy tờ liên quan đến Puih Glớ có thể đã được khôi phục, chính thức hóa thì ông lại không may mất sớm. Theo luật tục Jrai, tất cả những gì thuộc về ông khi còn sống đã được chôn theo, khiến tài liệu thành văn liên quan đến Puih Glớ không còn, kể cả giấy khen, quyết định hay chứng minh nhân dân…

Chúng tôi đã tìm đến một số người đang sống tại địa phương, lắng nghe câu chuyện của họ, từ đó chắt lọc lấy những thông tin liên quan đến Puih Glớ. Là bạn từ thời du kích, ông Ksor Hyiu/Hiếu (SN 1946/1948) người làng Me (cũ) cho rằng: Puih Glớ ngang tuổi ông hoặc nếu 2 người có hơn kém nhau cũng không nhiều.

Từng là chỉ huy du kích xã Ia Hrung trước năm 1975, ông Puih Binh (SN 1940; được kết nạp vào Đảng năm 1968) hiện ở làng Maih cho biết, bản thân không nhớ tuổi đúng của Puih Glớ nhưng khi cùng anh em bắn cháy máy bay Mỹ, người du kích này đã trưởng thành. Hơn thế, trước đó, Puih Glớ đã được tổ chức đám hỏi với người là vợ sau này.

Ông Ksor Pức (SN 1957, được kết nạp vào Đảng năm 1994) người làng Grit (cũ), xã Ia Hrung cũng không biết Puih Glớ bao nhiêu tuổi. Tuy nhiên, khoảng tháng 3-1971, trên đường xuống căn cứ của tỉnh ở Krong (Kbang ngày nay), đoàn học sinh ra Bắc đã gặp Glớ. Khi đó, ông thấy du kích này đã là thanh niên, hơn mình nhiều tuổi.

Còn ông Puih Minh (SN 1952, mới qua đời tháng 7-2024), người thuộc tổ du kích và chứng kiến Puih Glớ bắn hạ máy bay Mỹ năm 1970, từng cho chúng tôi biết ông và Glớ ngang tuổi nhau.

Nhân chứng Puih Ayôk, em trai ruột của Puih Glớ. Ảnh: N.Q.T

Nhân chứng Puih Ayôk, em trai ruột của Puih Glớ. Ảnh: N.Q.T

Ông Puih Ayôk (SN 1965, làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), em trai ruột của Puih Glớ thông tin: Cha mẹ ông có 4 người con trai, lần lượt là: Glớ, Bler, Anher, Ayôk. Ông Anher mất trước năm 1975, khi khoảng 7-8 tuổi. Theo Ayôk, ông và anh trai Glớ cách nhau khoảng 10 tuổi.

Ngoài ý kiến của các nhân chứng, chúng tôi mới tìm thấy 2 tài liệu thành văn liên quan đến Puih Glớ, cụ thể: Chị Puih Hoan (SN 1982) là con gái ông Puih Bler (em ruột Puih Glớ) hiện ở làng Maih, đang lưu giữ chứng minh nhân dân số 290039086, cấp ngày 26-7-1978, trên đó ghi ông Bler sinh năm 1957.

Trong lý lịch đảng viên, anh Rơ Châm Hvuông (SN 1977, được kết nạp vào Đảng năm 2013), con trai đầu của Puih Glớ, hiện sống tại làng Maih ghi năm sinh của cha mình là 1950.

Cho đến thời điểm hiện tại, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu, chúng tôi đang cố gắng từng bước vẽ lại chân dung người du kích Jrai kiên cường năm xưa. Tuy nhiên, qua những gì đã thu thập được, dù chưa thể xác định năm sinh của ông, bước đầu, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng khi cùng đồng đội hạ trực thăng Mỹ năm 1970, Puih Glớ ít có khả năng còn ở độ tuổi thiếu niên.

Theo Từ điển tiếng Việt, thiếu niên là “trẻ em thuộc lứa tuổi từ mười đến mười bốn-mười lăm”. Tương tự như vậy, Điều 1 Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QHH 13, ngày 5-4-2016) cũng quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

Đi tìm chân dung một người đã khuất, dù cách nay chưa quá lâu như Puih Glớ, vì nhiều lý do, thực sự là việc không dễ dàng. Ngoài năm sinh, huyện Ia Grai rất cần tiếp tục xác minh thời điểm Puih Glớ được kết nạp vào Đảng (nếu có) và quá trình công tác từ xã lên huyện sau năm 1975 của nhân vật.

Với bất kỳ ai từng nghe câu chuyện du kích Jrai làng Maih bắn hạ máy bay Mỹ năm 1970, Puih Glớ từ lâu đã trở thành một cái tên quen thuộc, một hình ảnh cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi chúng tôi viết những dòng này, hồ sơ di tích cấp tỉnh về sự kiện liên quan đến Puih Glớ và đồng đội đang được UBND huyện Ia Grai gấp rút hoàn thành. Âu đó cũng là một sự ghi nhận công bằng của lịch sử.

NGUYỄN QUANG TUỆ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/xung-quanh-chien-cong-cua-du-kich-puih-glo-va-dong-doi-ky-cuoi-phac-hoa-chan-dung-puih-glo-post294405.html
Zalo