Anh hùng Phạm Minh Giám và chuyến đi tìm đồng đội trên đất bạn Lào
Nhắc đến Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Minh Giám, nguyên chiến sĩ Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 3) nhiều người sẽ nhớ ngay đến trận đánh tiêu diệt Điểm cao 1433, một cứ điểm phòng thủ mạnh trong cụm cứ điểm phòng thủ liên hoàn bảo vệ căn cứ Loong Chẹng, nằm trong Chiến dịch 'Z' (Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng) mà ông 'xuất quỷ nhập thần' một mình tiêu diệt hàng chục tên địch.
Cùng với trận tập tích “kinh điển” ấy, mọi người còn xúc động trước câu chuyện ông cùng gia đình liệt sĩ đi tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh trong trận đánh Điểm cao 1433 mà ông đích thân chôn cất.
Gian nan hành trình tìm hài cốt trên đất bạn
Anh hùng Phạm Minh Giám kể, trong trận đánh tiêu diệt Điểm cao 1433, một cứ điểm phòng thủ mạnh trong cụm cứ điểm phòng thủ liên hoàn bảo vệ căn cứ Loong Chẹng - Tổng hành dinh của quân đặc biệt Vàng Pao và Sở chỉ huy Quân khu 2 của địch, sau khi chỉ còn một mình “đơn thương độc mã” chiến đấu và tiêu diệt hết quân địch, chiến sĩ Phạm Minh Giám bị thương ở đầu nên phải lần mò tụt xuống dưới chân núi để tìm đồng đội. Gặp lại nhau sau trận chiến sinh tử, ông Giám và đồng đội ôm nhau òa khóc. Trong giây phút vỡ òa cảm xúc ấy, chiến sĩ Phạm Minh Giám chợt nhớ ra vẫn còn hai đồng đội đã hy sinh nằm trên đỉnh núi liền báo đơn vị nhanh chóng tổ chức đưa thi thể xuống và đích thân ông Giám cùng anh em chôn cất các anh.
“Lúc đó là năm 1972. Và phải đến năm 2016, gia đình các liệt sĩ và đồng đội ở đơn vị cũ của tôi mới tổ chức được đoàn sang chiến trường xưa để tìm hài cốt các anh. Lúc đó, do chưa liên lạc được với tôi nên cả hai lần sang tìm, những đồng đội cũ của tôi và gia đình đều trở về mà không thu được kết quả gì”, Anh hùng Phạm Minh Giám chia sẻ.
Dù không trực tiếp sang đất bạn tìm hài cốt đồng đội ở hai lần đầu tiên, song, qua lời kể lại của mọi người tham gia chuyến đi, ông Giám vẫn nhớ như in hành trình của mọi người. Ông trầm giọng kể lại: “Ngày 6-11-2016, sau trao đổi, thống nhất, gia đình cô Mùi (em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá) vào Con Cuông, Nghệ An cùng Anh hùng LLVT nhân dân Vi Đức Cường (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 24, Trung đoàn Bộ binh 866 tại chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng) sang Xiêng Khoảng tìm hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Đá.
Tại Xiêng Khoảng, đoàn được sự phối hợp, giúp đỡ của Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An) và các lực lượng chức năng của Lào. Trên đỉnh 1433, bom mìn, đạn cối, lựu đạn... còn sót lại vô kể luôn đe dọa, cả đoàn phải thận trọng từng bước chân. Nhưng, sau hai ngày tìm kiếm không có kết quả, lương thực, nước mang theo đều cạn, đoàn phải quay về Loong Chẹng tính phương án khác.
Anh Cường đề xuất tìm anh Phúc (nguyên Phó đại đội trưởng, chỉ huy trận đó hiện cũng ở Con Cuông). Nhưng khi đến đỉnh điểm cao, trí nhớ giảm sút cộng với quang cảnh thay đổi khiến anh Phúc không xác định được địa điểm đưa liệt sĩ xuống an táng. Sau vài ngày tìm kiếm không có kết quả, cả đoàn buộc phải trở về Loong Chẹng.
Sau lần tìm kiếm thứ nhất không có kết quả, gia đình cô Mùi liên lạc được các anh Phạm Hồng Phú (ở Đồng Nai), Đoàn Phú Vân, Nguyễn Nhiệm, là các cựu quân tình nguyện Đại đội Đặc công 24. Ngày 16-12-2016, đoàn lên đường sang Lào lần thứ hai. Lần này, đoàn không lên đỉnh mà chỉ tìm chỗ mai táng hai liệt sĩ. Anh Phú chỉ huy dẫn đoàn. Sau 45 năm cảnh vật thay đổi nhiều lắm, cả 3 đồng đội đều không còn nhận ra chỗ an táng hai liệt sĩ. Song, toàn đoàn giữ quyết tâm tìm kiếm, chia thành nhiều nhóm, tỏa đi nhiều hướng, bán kính 1.500m, nơi nào nghi ngờ đều đào hết. Tuy nhiên, đến ngày 21-12-2016, việc tìm kiếm vẫn không có kết quả.
Chiều 21-12, đoàn trở về Loong Chẹng. Từ ngày 23 đến 25-12-2016, có thêm 8 người của Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An phối hợp cùng, tổ chức thành các tổ (6 người 1 tổ) đào bới chỗ nào nghi ngờ… Toàn đội nhiệt tình, kỷ luật khiến các cựu chiến binh Đại đội Đặc công 24 thêm vững lòng tin. Cô Mùi, em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá có tình thương đặc biệt với anh trai mình, có quyết tâm rất cao, nghị lực tuyệt vời. Nhưng, đến ngày 28-12, sau 22 ngày tìm kiếm tích cực không thành, gia đình và cựu chiến binh Đại đội Đặc công 24 đành tạm biệt đội quy tập, tạm biệt đất bạn Lào…
Chuyến hành trình mang lại niềm vui
Sau hai lần đầu đi tìm không thành công, đầu năm 2017, các cựu chiến binh Trung đoàn Bộ binh 866 liên lạc được với Anh hùng Phạm Minh Giám, người trực tiếp chôn cất hai liệt sĩ. Tuy lúc đó đã 70 tuổi, nhưng ông Giám không chút đắn đo, không quản đường xa, bệnh tật, vết thương cũ và lo lắng của gia đình, lên đường trở lại Điểm cao 1433. Lần này, gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Đá mang theo nhiều hy vọng hơn.
Anh hùng Phạm Minh Giám kể: “Lần thứ ba này chỉ có mình tôi là cựu chiến binh Đại đội Đặc công 24, nhà cô Mùi 4 người, tất cả trên 1 xe bán tải. Xe đi qua Hòa Bình theo đường mòn Hồ Chí Minh, rồi sang Xiêng Khoảng... Bao nhiêu địa danh đã ăn sâu vào trí nhớ của tôi, người lính 6 năm nếm mật nằm gai ở chiến trường Xiêng Khoảng.
Ngày 6-3-2017, đoàn hành quân đến Điểm cao 1433. Sau một ngày lệch hướng, mất hàng giờ leo núi đá, sáng ngày 8-3, đoàn mới đến chân điểm cao. Tới nơi, tôi tìm đường mòn cũ. Gai mọc kín rất khó đi, ai cũng ngại. Tôi yêu cầu theo lối mòn cũ, phát gai, cây, rồi đi từ đây trở xuống, không lên đỉnh. Đi hết núi đá xuống dốc có đất, đến một hang đá nhỏ, linh tính tôi chợt cảm thấy có gì quen quen. Trước khu rừng già, phiến đá ngày xưa đặt hai liệt sĩ để khâm liệm bất chợt hiện ra trước mắt tôi. Hai chân tôi khuỵu xuống, nước mắt cứ thế trào ra, vừa chạy vừa vấp ngã, rồi lại chạy. Gặp mọi người, tôi òa khóc, nói trong nước mắt: “Tìm thấy rồi!...Tìm thấy rồi!”. Giọng tôi lạc hẳn đi, đôi chân trở nên lập bập, cuống quýt. Cuối cùng, sau bao nhiêu vất vả, cố gắng, chúng tôi đã tìm thấy hài cốt hai người đồng đội được mai táng dưới tảng đá năm xưa giữa núi rừng Loong Chẹng trùng điệp 45 năm qua…”.
Sau một phút kìm nén xúc động khi nhắc đến chuyện cũ, Anh hùng Phạm Minh Giám rưng rưng chia sẻ: “Nếu trận đánh Điểm cao 1433 đầu năm 1972 là cú “điểm huyệt” chiến thuật khiến địch hoảng sợ, minh chứng ý chí chiến đấu của con người Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, thì hành trình ba lần tìm đồng đội ở điểm cao lịch sử này là hiện thân cho một giá trị nhân văn cao thượng, đầy “nghĩa tình đồng đội” của Bộ đội Cụ Hồ…”!