Xung đột tức thời - bạo lực mất kiểm soát
Cơn giận dữ bùng phát sau những vụ tai nạn giao thông hoặc va chạm nơi công cộng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc. Thay vì giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, nhiều người lại để cho cảm xúc chi phối, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ và mất kiểm soát.
Nhìn lại những vụ việc
Chỉ vì một va chạm giao thông nhỏ, ngày 10/2/2025, người đàn ông đi Lexus đã liên tục đấm, đá, thậm chí lên gối vào mặt người giao hàng (shipper) ngay giữa đường, trước số 41B ngách 50, ngõ 310 Nghi Tàm (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Phải đến khi nhiều người xung quanh can ngăn, hành vi hung hãn mới dừng lại. Hậu quả, nạn nhân bị thương tích 3%, còn tài xế Lexus bị khởi tố, tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi "cố ý gây thương tích".
Hay mới đây, vào ngày 14/2, trong khi tranh cãi về địa điểm sửa chữa xe sau một vụ va chạm, tài xế xe Ford Ranger đã ra tay thô bạo khiến chủ xe VinFast VF5 bị chấn động não, phải nhập viện điều trị.
Bạo lực không chỉ diễn ra trên đường phố, mà còn len lỏi vào những môi trường vốn cần sự tôn trọng và kiềm chế.
Vào tối 30/12/2024, khi bị từ chối mở chắn lúc tàu sắp chạy qua đường Kha Vạn Cân, trước chùa Ưu Đàm (TP.Thủ Đức, TP.HCM), người phụ nữ đi đường đã lao vào tấn công nhân viên gác chắn, khiến chị bị gãy xương mũi, phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 2/1/2025, cựu tuyển thủ bóng đá Sỹ Mạnh bị Công an quận Tân Bình bắt khẩn cấp để điều tra hành vi "gây rối trật tự công cộng". Trước đó, trong một trận đấu phong trào, chỉ vì không đồng tình với quyết định của trọng tài, Sỹ Mạnh đã lao vào đánh trọng tài ngay trên sân bóng.
Dù xảy ra trên đường phố, nơi làm việc hay môi trường thể thao, những hành vi bạo lực đều để lại hậu quả nặng nề. Người gây ra bạo lực không chỉ đối mặt với pháp luật mà còn đánh mất danh dự, sự nghiệp. Trong khi đó, nạn nhân phải chịu tổn thương về thể chất và tinh thần.
Mầm mống của bạo lực
Những câu chuyện bạo lực gia đình, bạo lực học đường trên mạng xã hội hay thậm chí ngay trong cách hành xử với nhau vẫn diễn ra hằng ngày. Không ít người có tư duy “mạnh được yếu thua”, “ai lớn tiếng hơn là thắng”, dẫn đến việc sử dụng vũ lực như một cách giải quyết vấn đề. Bạo lực có thể là kết quả của nhiều yếu tố, rõ ràng nhất là đứt gãy các chuẩn mực xã hội. Bạo lực có thể là một phản xạ thiếu kiểm soát của con người.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia ngành tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên cho biết: "Hành vi bạo lực khi có một sự việc xảy ra không chỉ đơn thuần là mất kiểm soát cảm xúc hay là một cơn tức giận tức thời, mà có thể là kết quả của một tổ hợp giao thoa giữa nhiều yếu tố khác nhau. Nếu như một người có tiếp cận lệch, tức là họ chỉ tiếp cận với những thông tin về bạo lực thì có xu hướng họ sẽ nhẹ hóa cảm giác nhạy cảm với bạo lực. Vì thế họ có thể xem bạo lực như một sự bình thường và không cảm thấy mức độ nghiêm trọng của bạo lực".
Không thể phủ nhận, mạng xã hội đang đưa bạo lực đến gần hơn và nhiều hơn với con người. Những video có hình ảnh bạo lực, trả thù, hành xử côn đồ xuất hiện tràn lan trong phim ảnh, trò chơi điện tử. Những vụ va chạm ẩu đả, đánh nhau, thậm chí rượt đuổi như phim hành động được chia sẻ tràn lan, nhận vô số bình luận, lượt thích trên mạng xã hội. Việc tiếp xúc thường xuyên với những nội dung bạo lực này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý người xem như làm giảm đi sự nhạy cảm với bạo lực, khiến con người trở nên thờ ơ, thậm chí chấp nhận như một phần tất yếu của cuộc sống.
Hơn nữa, việc lan truyền bạo lực bằng những video, hình ảnh ghi lại các vụ hành hung, ẩu đả cũng đang trở nên phổ biến. Thay vì lên án, không ít người lại cổ vũ, bình luận với thái độ hả hê, biến những hành vi này thành trò giải trí. Chính sự thờ ơ hoặc cổ xúy đó đã vô tình thúc đẩy những hành vi bạo lực, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, những người có tâm lý chưa ổn định và dễ bị ảnh hưởng bởi những gì họ thấy trên mạng.
Làm thế nào để hạ nhiệt những cơn giận?
Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học và phòng ngừa tội phạm chia sẻ: "Những hành vi bạo lực chẳng hạn như tài xế Lexus đánh người giao hàng hay nữ nhân viên đường sắt bị đánh gãy mũi vì làm đúng quy định là những hành vi cộng đồng cần phải lên án. Không thể đổ lỗi rằng lúc đấy tôi nóng quá. Tình trạng mất kiểm soát, mất nhận thức và điều chỉnh hành vi là những thứ mà chúng ta phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng một lối sống văn minh".
"Từ việc giáo dục chúng ta phải hướng cộng đồng đến hành vi ứng xử tốt, bảo vệ giá trị của đời sống chung. Ngoài ra, về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường tuần tra kiểm soát, lắp đặt hệ thống camera, để khi phát hiện xung quanh mình rất nhiều camera thì người ta sẽ tự kiểm soát bản thân mình.
Rồi việc tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi bạo lực. Nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành hành vi tội phạm thì xử lý ngay. Như vụ việc tài xế Lexus hành hung người giao hàng, mặc dù nạn nhân thương tích chỉ 3% nhưng vẫn đủ yếu tố để khởi tố. Tôi cho rằng đó là rất đúng, cần phải có bàn tay sắt để lập lại kỉ cương. Không xử lý đối tượng vì hành vi 'cố ý gây thương tích' nếu dưới 11% tổn hại sức khỏe thì có thể xử lý về hành vi 'gây rối trật tự công cộng'. Vì chắc chắn việc va chạm, đánh nhau ngoài đường sẽ ảnh hưởng gây cản trở giao thông, tác hại rất lớn đến đời sống chung, gây ra tâm lý bất an trong đời sống. Và việc xử lý về tội 'gây rối trật tự công cộng' là hoàn toàn có căn cứ. Mà cần phải có những biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh để kỉ cương phép nước được tôn trọng", - TS. Đào Trung Hiếu cho biết thêm.
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã nhanh chóng điều tra, khởi tố và bắt giữ các cái đối tượng có hành vi dùng bạo lực trên đường phố. Việc này không chỉ mang lại niềm tin cho cả cộng đồng, mà còn gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ rằng bạo lực sẽ không bao giờ được chấp nhận dưới bất kỳ hình thức nào.
Xung đột nhỏ - hậu quả lớn
Một cú va quệt xe, một lời nói thiếu kiềm chế, hay đơn giản là cái nhìn "không vừa mắt" cũng có thể trở thành lý do để bùng phát xung đột. Cơn giận dữ bùng phát sau những vụ tai nạn giao thông hoặc va chạm nơi công cộng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc. Thay vì giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, nhiều người lại để cho cảm xúc chi phối, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ.
Theo một clip đăng tải trên mạng xã hội, vào ngày 25/2/2024, hai nam thanh niên lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi lên đường vành đai 2 trên cao (đường cấm xe máy, đoạn lối lên từ đường Minh Khai), hướng cầu Vĩnh Tuy đi Ngã Tư Sở, rồi liên tục tạt đầu các ô tô đi trên đường. Khi ô tô nào bấm còi sẽ bị hai nam thanh niên dùng chân đạp vào xe, đấm vào kính. Đỉnh điểm của sự việc, hai đối tượng này đã chặn xe và hành hung tài xế ô tô khi xe này vượt lên. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác minh ra quyết định tạm giữ hai đối tượng. Trái với hình ảnh hung hăng như trong clip được chia sẻ trên mạng xã hội, hai người đàn ông cúi gằm mặt, ngồi lặng lẽ viết từng lời khai ở trụ sở công an phường.
Trong vụ án phóng hỏa quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào ngày 18/12/2024, sự mất kiểm soát, mất nhân tính trong hành vi của một người đàn ông đã khiến 11 người tử vong, để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đối tượng Cao Văn Hùng - hung thủ của vụ án đã nhanh chóng bị bắt giữ và đối diện với mức án cho tội "Giết người" và "Hủy hoại tài sản".
Rõ ràng, xói mòn về văn hóa ứng xử đã sinh bạo lực. Đối với những vụ xung đột khi gặp tai nạn giao thông hay bất cứ va chạm nào, đó có thể là “tai nạn kép” đối với chính những nạn nhân. Việc kiểm soát cảm xúc là chìa khóa quan trọng trong mọi cuộc va chạm và trước khi bộc phát bất cứ hành động bạo lực nào, trước tiên hãy nghĩ về hậu quả mà bản thân, gia đình và xã hội phải gánh chịu.