Xung đột Nga - Ukraine ngày 24/4: Ukraine tuyên bố tấn công nhà máy sản xuất máy bay không người lái Nga
Quân đội Ukraine tuyên bố đã tấn công một địa điểm sản xuất máy bay không người lái tầm xa ở Yelabuga (Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga), làm hỏng dây chuyền lắp ráp.

(Ảnh: Tass)
Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, cuộc tấn công do lực lượng máy bay không người lái của Ukraine và các đơn vị khác tiến hành đã gây ra các vụ nổ gần nhà máy, cách biên giới Ukraine 1.054 km.
"Đến thời điểm hiện tại, có thể xác nhận rằng dây chuyền lắp ráp máy bay không người lái của Nga đã bị hư hại", bộ tham mưu của Ukraine tuyên bố trên Telegram, nói thêm rằng công suất sản xuất của nhà máy là 300 máy bay không người lái mỗi ngày.
Chính quyền địa phương ở Yelabuga báo cáo rằng một máy bay không người lái đã bị bắn hạ trong thị trấn. Mash, một kênh Telegram thân cận với các cơ quan an ninh của Nga, cho biết ít nhất bốn máy bay không người lái đã bị bắn hạ gần một nhà máy trong thị trấn.
Trong suốt cuộc chiến kéo dài ba năm, Nga đã sử dụng rộng rãi các loại máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine.
Tuy nhiên, phát biểu ngày 23/4, Tổng thống Vladimir Putin cho biết lực lượng vũ trang Nga vẫn thiếu một số loại vũ khí nhất định, bao gồm cả máy bay không người lái, mặc dù sản lượng đã tăng mạnh.
"Ví dụ, sản lượng vũ khí, thiết bị liên lạc, trinh sát và hệ thống tác chiến điện tử đã tăng gấp đôi. Quân đội đã nhận được hơn 4.000 xe bọc thép các loại, 180 máy bay chiến đấu và trực thăng", lãnh đạo Nga cho biết.
Hơn 1,5 triệu máy bay không người lái các loại cũng đã được sản xuất, bao gồm khoảng 4.000 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) - các mẫu máy bay hạng nhẹ được thiết kế để nhắm mục tiêu chính xác.
“Nhưng tôi biết rất rõ, và nhiều người ở đây cũng biết rõ điều đó như tôi: Những vũ khí này vẫn chưa đủ. Không đủ”, ông Putin nói.
"Tôi chắc chắn rằng mọi kế hoạch tăng sản lượng thiết bị cần thiết, trong trường hợp này là máy bay không người lái, sẽ được thực hiện. Các binh sĩ đang háo hức chờ đợi chúng ở mặt trận".
Bình luận của Tổng thống Nga Putin ám chỉ rằng, Mátxcơva có ý định tăng cường sản xuất quân sự trong năm thứ tư của cuộc xung đột ở Ukraine, ngay cả khi nước này đang đàm phán với Mỹ về triển vọng chấm dứt giao tranh.
Nga đã chuyển các nhà máy quốc phòng sang chế độ sản xuất 24/24 kể từ khi xung đột bùng phát. Phương Tây cũng cáo buộc Mátxcơva mua một lượng lớn thiết bị quân sự từ các quốc gia khác, bao gồm máy bay không người lái Shahed từ Iran và pháo binh, tên lửa đạn đạo và hệ thống tên lửa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, những thông tin này không được xác nhận.
Ukraine sẽ không đầu hàng
Ukraine sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ không đầu hàng, Phó Thủ tướng Yulia Svyrydenko cho biết khi báo giới đồn đoán về đề xuất của Mỹ liên quan đến một thỏa thuận mà theo đó, Ukraine có thể sẽ phải từ bỏ phần lớn vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.
"Sẽ không có thỏa thuận nào trao cho Nga nền tảng vững chắc để tập hợp lại lực lượng và quay trở lại với các cuộc tấn công quyết liệt hơn", bà Svyrydenko viết trên X.
"Người dân của chúng tôi sẽ không chấp nhận một cuộc xung đột đóng băng được ngụy trang dưới vỏ bọc hòa bình".

Phó Thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko. (Ảnh: Reuters)
Các phương tiện truyền thông tuần này đã đồn đoán về đề xuất chung của Washington liên quan đến thỏa thuận giữa Kiev và Mátxcơva. Theo đó, Mỹ được cho là đề xuất chính thức công nhận bán đảo Crimea là của Nga.
Cùng lúc đó, Ukraine đang tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn hoàn toàn, ngay lập tức và vô điều kiện, với các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành sau khi lệnh ngừng bắn được thiết lập.
"Một lệnh ngừng bắn hoàn toàn - trên bộ, trên không và trên biển - là bước đầu tiên cần thiết", bà Svyrydenko cho biết, nói thêm rằng nếu Mátxcơva lựa chọn tạm ngừng bắn có thời hạn, thì Kiev sẽ đáp trả tương tự.
Mỹ nói Tổng thống Ukraine Zelensky đang đi sai hướng
Ngày 22/4, có thông tin cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, bao gồm cả việc công nhận Crimea là của Mátxcơva, như một phần của thỏa thuận hòa bình. Động thái này được cho là đã khiến các quan chức Mỹ tức giận. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã quyết định không tham dự các cuộc đàm phán tại London với phái đoàn châu Âu và Ukraine.
"Tuyên bố này rất có hại cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội hôm 23/4. "Tình hình của Ukraine đang rất tồi tệ. Ông ấy có thể có hòa bình hoặc có thể chiến đấu thêm ba năm nữa trước khi mất cả đất nước".
Tổng thống Trump nhắc lại rằng ông Zelensky có vị thế yếu hơn trong các cuộc đàm phán. "Chúng ta đang rất gần với một thỏa thuận, và người đàn ông vốn không còn quân bài nào để chơi này nên hoàn thành điều đó".
"Tôi nghĩ Nga đã sẵn sàng. Tôi nghĩ chúng ta đã có một thỏa thuận với Nga. Giờ chúng ta phải đạt được một thỏa thuận với ông Zelensky. Tôi đã nghĩ rằng ông Zelensky dễ đối phó hơn, nhưng thực tế là khó khăn hơn".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi cuối tháng 2. (Ảnh: Getty Images)
Trong cuộc họp báo ngày 23/4, người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt cũng xác nhận sự thất vọng của Tổng thống Trump về những bình luận gần đây của ông Zelensky với giới truyền thông liên quan đến các cuộc đàm phán.
"Tổng thống đang thất vọng. Sự kiên nhẫn đang mất dần. Tổng thống muốn làm điều đúng đắn cho thế giới, muốn thấy hòa bình, muốn thấy cảnh đổ máu chấm dứt, nhưng cả hai bên cần phải sẵn sàng làm điều đó", bà Leavitt nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. "Thật không may, Tổng thống Zelensky dường như đang đi sai hướng".
Theo bà Leavitt, lãnh đạo Ukraine đang tiết lộ các thông tin đàm phán trên báo chí. Và điều này là không thể chấp nhận đối với Tổng thống Trump. Chính quyền Mỹ tin rằng các cuộc đàm phán như vậy nên được xử lý riêng tư.
“Nhóm an ninh quốc gia của tổng thống và các cố vấn của ông đã dành nhiều thời gian, năng lượng và công sức để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột này”, bà Leavitt nói. “Người nộp thuế Mỹ đã tài trợ hàng tỷ đô la cho nỗ lực này, và thế là đã quá đủ”.
Người phát ngôn làm rõ rằng ông Trump không yêu cầu Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, mà thay vào đó kêu gọi đối thoại thực tế. “Những gì ông ấy yêu cầu là mọi người đến bàn đàm phán với sự thừa nhận rằng đây đã là một cuộc chiến tàn khốc trong thời gian quá dài”. Bà Leavitt kết luận bằng cách nhấn mạnh nhu cầu thỏa hiệp trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. “Để đạt được một thỏa thuận tốt, cả hai bên phải ra về với một chút không vui".