Xung đột Hamas-Israel: Thỏa thuận trao đổi con tin trong trạng thái mong manh
Thỏa thuận trao đổi con tin trong trạng thái mong manh và nhân tố đẩy thỏa thuận đối mặt với nguy cơ sụp đổ lại chính là người đã có công lớn để thỏa thuận này được ký kết: Tổng thống Mỹ Donald Trump.
![Một con tin Israel được cánh quân của phong trào Hamas trả tự do và bàn giao cho Hội Chữ Thập đỏ quốc tế tại thành phố Gaza, ngày 9/2/2025. (Ảnh: IRNA/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51477402/51e2dd5aef14064a5f05.jpg)
Một con tin Israel được cánh quân của phong trào Hamas trả tự do và bàn giao cho Hội Chữ Thập đỏ quốc tế tại thành phố Gaza, ngày 9/2/2025. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đang trong trạng thái hết sức mong manh khi hai bên đổ lỗi vi phạm cho nhau.
Điều đáng nói là, nhân tố đẩy thỏa thuận đối mặt với nguy cơ sụp đổ lại chính là người đã có công lớn để thỏa thuận này được ký kết: Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 19/1, trong giai đoạn 1 phía Hamas sẽ trao trả tổng cộng 33 con tin bị cầm tù ở Gaza để đổi lấy 1.900 tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.
Đến nay, Hamas đã trao trả tổng cộng 16 con tin, chưa kể 5 con tin người Thái Lan không nằm trong cam kết. 17 con tin còn lại, bao gồm 2 trẻ em và 14 nam giới, sẽ được thả dần vào các ngày cuối tuần.
Giai đoạn 2 của thỏa thuận sẽ chứng kiến 43 con tin nữa được trao trả, kèm điều kiện hai bên sẽ ngừng bắn vĩnh viễn và Israel sẽ rút toàn bộ quân số khỏi Dải Gaza.
Tuy nhiên, khi vòng đàm phán cho giai đoạn 2 còn chưa kịp khởi động thì ngày 10/2, phong trào Hamas tuyên bố hoãn việc trả tự do cho các tù nhân Israel như dự kiến, với cáo buộc Israel không tuân thủ các điều khoản đã ký.
Sau cuộc tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4/2, Tổng thống Trump bất ngờ công bố ý tưởng di dời người Palestine khỏi Dải Gaza và quân đội Mỹ sẽ tiếp quản và hỗ trợ tái thiết mảnh đất này.
Về vấn đề này, đại diện của Hamas khẳng định với tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, những gì Washington đã hứa trước đó rằng sẽ đảm bảo để thỏa thuận ngừng bắn đi tiếp các chặng đường còn lại, đã không còn hiệu lực. Đáp lại, phía Israel tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công Dải Gaza nếu các con tin không được thả đúng hạn.
![Người tị nạn Palestine trở về nhà tại miền Bắc Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51477402/8e97142f2661cf3f9670.jpg)
Người tị nạn Palestine trở về nhà tại miền Bắc Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo giới quan sát, nguyên nhân chính khiến thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có nguy cơ đổ bể là phát ngôn của Tổng thống Trump - một phát ngôn đã khiến dư luận quốc tế dậy sóng, đặc biệt là các quốc gia Arab, bao gồm Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar.
Trên thực tế, việc người Palestine phải di dời khỏi Gaza và Bờ Tây "là điều không thể chấp nhận được" đối với thế giới Arab, nơi đã đấu tranh chống lại ý tưởng này suốt 100 năm qua.
Tổng thống Trump vốn được biết đến là nhà lãnh đạo với những ý tưởng phi truyền thống và có thể dễ dàng thay đổi các quyết định. Không gì có thể táo bạo hơn với ý tưởng Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza, tái định cư người Palestine đến quốc gia khác và biến dải đất ven biển này thành một "Riviera Trung Đông" (Riviera là địa danh nghỉ dưỡng, du lịch nổi tiếng ven Địa Trung Hải, trải dài từ Pháp đến Italy). Tuy nhiên, xét nền tảng của trật tự quốc tế đương đại, nơi đề cao các mối quan hệ quốc gia bình đẳng và nhân quyền, thì đề xuất của ông Trump có vẻ thiếu thực tế.
Việc di dời khoảng 2 triệu người vốn đã mệt mỏi và đói khát do hậu quả chiến tranh là một dự án khổng lồ khó khả thi.
Nhà lãnh đạo Mỹ hối thúc Ai Cập và Jordan đồng ý tiếp nhận thêm người Palestine trong bối cảnh hai quốc gia này đã quá tải với người tị nạn, trong đó Amman hiện đang “gánh” hơn 3 triệu người tị nạn Palestine và Cairo đang bao bọc khoảng 800.000 người khác. Và họ không muốn tiếp nhận thêm nữa.
Một vấn đề nữa là tính pháp lý. Luật pháp quốc tế có những điều khoản về việc di dời tạm thời khi người dân gặp nguy hiểm trong thời chiến, nhưng điều kiện tiên quyết là phải dựa trên sự tự nguyện của họ và việc này chỉ là tạm thời thay vì tái định cư vĩnh viễn. Đó là chưa kể ý tưởng đưa quân đội Mỹ tới một vùng lãnh thổ khác sẽ vấp phải vấn đề nghiêm trọng về tính chính danh. Điều này chỉ có thể được thực hiện với sự chấp thuận của chính quyền hợp pháp và người dân của vùng lãnh thổ đó, trong trường hợp này là Chính quyền Palestine (PA) và người dân Palestine.
Tổng thống PA Mahmoud Abbas đã phản đối mạnh mẽ mọi kế hoạch di dời người Palestine khỏi Gaza. Ngay ở Mỹ, thăm dò dư luận cho thấy đa phần người dân Mỹ cũng phản đối đề xuất này.
Trở lại với thỏa thuận ngừng bắn, điểm yếu kỹ thuật dễ thấy nhất là cấu trúc thỏa thuận được chia làm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại được chia thành nhiều đợt. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng thời gian giữa mỗi đợt trao đổi con tin và tù nhân đều có thể đối mặt với nhiều diễn biến thách thức tính khả thi của toàn bộ thỏa thuận ngừng bắn.
Đến nay phía Israel chưa có tuyên bố chính thức nào về việc sẽ đơn phương ngừng thực hiện thỏa thuận, nhưng Hamas có lý do để tin rằng Israel có thể đã thay đổi lập trường.
Sau khi Tổng thống Trump ra tuyên bố bất ngờ di dời người Palestine khỏi Gaza, Thủ tướng Israel Netanyahu ca ngợi kế hoạch này là "ý tưởng mới mẻ đầu tiên sau nhiều năm… có thể thay đổi tình hình tại Gaza."
Như "đổ thêm dầu vào lửa," ông Trump tuyên bố “địa ngục sẽ bùng nổ” nếu Hamas không thả “toàn bộ” các con tin Israel vào trưa 15/2 theo lịch trình.
Vẫn chưa hẳn đã hết hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ được duy trì cho hết giai đoạn 1 để các bên bắt đầu đàm phán giai đoạn 2. Phong trào Hamas khẳng định không muốn thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ, đồng thời xác nhận các bên trung gian vẫn đang có nhiều nỗ lực để thuyết phục Israel thực thi các điều khoản trong thỏa thuận. Vấn đề nảy sinh là Hamas đã đồng ý thả 3 con tin như đã định, nhưng tối hậu thư của Tổng thống Trump đề cập đến “toàn bộ," tức là cả 9 con tin Israel còn lại theo giai đoạn 1 phải được trao trả ngay lập tức.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Hamas sẽ phản ứng trước tối hậu thư của nhà lãnh đạo Mỹ như thế nào và điều gì sẽ xảy ra nếu lực lượng này từ chối đáp ứng yêu sách trao trả “toàn bộ” các con tin.
![Quân đội Israel tuần tra tại Dải Gaza gần biên giới phía nam của Israel, sau khi rút khỏi Hành lang Netzarim ngày 10/2/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_293_51477402/dd887c304e7ea720fe6f.jpg)
Quân đội Israel tuần tra tại Dải Gaza gần biên giới phía nam của Israel, sau khi rút khỏi Hành lang Netzarim ngày 10/2/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)
Về phía Israel, mặc dù tuyên bố mạnh mẽ sẽ nối lại chiến dịch tấn công và xóa sổ Hamas, nhưng liệu có thực hiện được hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Sau 16 tháng chiến tranh, quân đội Israel vẫn chưa thực sự chạm tới cái gọi là “chiến thắng hoàn toàn," tức loại bỏ hoàn toàn năng lực chiến đấu và năng lực lãnh đạo của phong trào này tại Dải Gaza.
Ngoài ra, trong số có các con tin người Israel đang bị giam giữ ở Gaza có một số lượng chưa xác định nằm trong tay các lực lượng khác.
Mới đây nhất, cánh vũ trang của phong trào Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) tuyên bố số phận các con tin bị giam giữ tại Gaza gắn liền với hành động của Thủ tướng Netanyahu.
Bà Mairav Zonszein, chuyên gia cấp cao tại Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), nhận định ông Netanyahu đang cố tình giữ thái độ mập mờ và đang “câu giờ” để kéo dài giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn đồng thời trì hoãn các cuộc thảo luận về tương lai hậu chiến của Dải Gaza. Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng phải đối mặt với “áp lực dư luận” trong nước nhằm đảm bảo việc giải cứu những con tin còn lại, bao gồm cả các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas.
Sau hơn một năm đàm phán liên tục thất bại, gia đình các con tin và những người ủng hộ tại Israel đã vỡ òa trong hạnh phúc khi thỏa thuận ngừng bắn được thông qua chỉ một ngày trước khi Tổng thống Trump nhậm chức. Trớ trêu thay, giờ đây chính ông lại khiến niềm hy vọng của họ tắt ngấm. Hơn ai hết họ đang mong ngóng từng ngày người thân được trả tự do.
Thỏa thuận ngừng bắn bên bờ sụp đổ một lần nữa như chà vào vết thương trong lòng xã hội Israel, với số phận của 76 con tin còn lại ở Gaza và số phận của thỏa thuận ngừng bắn giờ đây đều khá bấp bênh./.